Mừng Thành Đạo 2004
Như Đức
Trong chuyện Tây Du, ba đồ đệ của Đường Tăng tượng trưng cho ba tính chất khắc nghiệt nhất của con người, nói theo danh từ nhà Phật là ba phiền não cội gốc: tham, sân, si. Yêu ma quỷ quái ngăn trở trên đường như là muôn trùng phiền não bủa vây, không cho hành giả thành chánh đạo. Trừ ma trước tiên phải nhiếp phục phiền não, nên trên đường thỉnh kinh Đường Tăng phải thu phục đồ đệ. Nhiếp phục tham sân si rồi thì ma chướng nào cũng qua, dù chúng có hăm he bắt nhốt đòi làm thịt Đường Tăng nhậu với nhau. ”Ăn một miếng thịt Đường Tăng thì sống lâu muôn tuổi”, chúng ma đồn đãi với nhau như thế, nên động yêu nào cũng rình bắt cho được thầy. Đường Tam Tạng như là thủy giác, tính Phật mới nhận ra, đi thỉnh kinh là trở về bản giác, tính Phật vốn sẵn. Có sẵn tính Phật nhưng vì bất giác vô minh nên chịu trầm luân trăm cay ngàn đắng. Nếu để cho bất giác nắm thế chủ động, nghĩa là ma ăn thịt được Phật thì vô minh ngàn muôn kiếp, nên mới nói ăn thịt Đường Tăng ma sống rất lâu. Ma, Phật cũng chỉ là ảo tưởng dựng lên bởi một niệm vọng động đầu tiên, khi đưa cây kiếm trí tuệ ra thì tất cả chỉ là ảo hóa.
Đường Tăng thu phục Ngộ Không trước nhất, anh chàng này tượng trưng tánh sân, đụng tới một tí là nhảy dựng. Tuy nhiên, người nóng tánh khi biết tu rồi thì tu rất nhanh, không chần chừ. Ngộ Không cũng là điều kiện tiên quyết, thấy được tính Không, nắm chắc lý Bát-nhã để đối đầu với mọi thử thách. Bát Giới được thu phục kế đó, lão Trư này tham ăn tham ngủ, thích người đẹp… tượng trưng cho tánh tham. Tuy đã chịu theo thầy nhưng bao phen tính trở gót, tánh tham điều phục khó hơn tánh sân. Đệ tử thứ ba: Sa Ngộ Tịnh. Nơi trú ẩn là sông Lưu Sa rộng tám trăm dặm, cành lau thả không nổi, lông ngỗng cũng phải chìm. Dòng sông si mê nhận chìm mọi thứ, Sa Tăng là con quái chủ chốt. Nếu không thu phục được y, đừng tính chuyện thỉnh kinh thành Phật. Bát Giới đánh với Sa Tăng đôi ba phen ngang tài ngang sức, nhưng nếu muốn tóm lấy y thì con quái liền chui tọt xuống nước trốn mất. Sông sâu biển rộng khó dò, nước si mê cuồn cuộn bao giờ cạn. Hiện nay người ta đo được đỉnh núi cao nhất thế giới, nhưng chưa đo được độ sâu chính xác của đại dương. Truyện Tây Du diễn tả đoạn này. Tôn Hành Giả không động thủ được, chỉ đứng trên bờ xúi Bát Giới khiêu chiến. Con yêu đánh dưới nước không ai làm gì được nó. Trận chiến trong chốn mịt mùng. Nhưng lên bờ gặp Hành Giả giơ gậy liền trốn. Dù không có tình tiết ly kỳ hồi hộp như các ma trận quỷ kế khác, nhưng nếu cứ dùng dằng thế này, tỉnh tỉnh say say thật là khó chịu. Đó là để nói hàng phục si mê không phải dễ.
Khi thâu được ba đệ tử này, tham sân si biến thành Giới – Định – Tuệ, người thỉnh kinh lên đường về nước Phật, công quả gần thành nhưng đến cuối con đường lại gặp một dòng sông ngăn trở. Sông này cũng rộng, nguy hiểm không thua Lưu Sa Hà, mà chỉ có một độc mộc kiều bắt ngang, cầu vừa nhỏ vừa trơn trợt, sông rộng sóng to, mấy thầy trò ngần ngại không biết làm sao qua. Té ra đến đất Phật rồi cũng còn thử thách. Bên cầu có một tấm biển đề ba chữ ”Bến Lăng Vân”, lăng vân là cao đến tận mây, một ý chí kinh người, như là xung thiên chí mới trọn vẹn con đường tu thành Phật tác Tổ.
Đang chần chờ, ba thầy trò thấy có người chèo thuyền đến đón, mà lại là thuyền không đáy, Tam Tạng e sợ chưa dám bước xuống, bị Ngộ Không xô một cái rớt tõm xuống nước. Thế là ”Đầu sào trăm trượng nhảy một cái”, nếu không nhảy qua được thì vẫn phải vấn vương bờ bên này. Tới chừng lên thuyền, ngó lại thấy một thây người trôi dưới sông, đó chính là thân của Tam Tạng, chỗ này nhà thiền nói ”Nhất phiên đại tử” còn truyện Tây Du giới thiệu là
Vượn thuộc, ngựa thuần, vừa thoát xác
Công thành, hạnh đủ, gặp Chân Như
Cũng là sông nước, làm chết người hay cứu người cũng tại chỗ này. Sông đưa thuyền về hóa độ nhân gian, người thành đạo không lìa dòng sông nguyên thủy. Chỉ cần nhìn cho ra con quái ẩn náu trong kia, nhiếp phục tâm ý đến một niệm vi tế cũng lặng yên, dòng sông si mê biến thành dòng tịnh thủy. Để chúc mừng sự thành tựu, truyện Tây Du có thơ đề
Xương cốt phàm thai đã thoát thân
Tương thân tương ái một nguyên thần
Giờ đây hạnh đủ đương thành Phật
Rửa sạch từ xưa hết bụi trần.
./.