Avainsana: Như Đức

Như Đức

Khi tôi cho xây lại bờ con suối, chỗ bị nước xói mòn hư hao nghiêm trọng, tôi có cảm giác như mình phạm một lầm lỗi với thiên nhiên. Phía bờ đối diện vẫn còn bờ đất thô sơ, mấy cây dừa bụi tre an nhàn, và một dãy sen mọc lân la bên bờ cỏ gần nước. Vậy mà bên này đại chúng vẫn hì hục tấn đá, đổ đất, đổ cột beton – Viễn cảnh sẽ có một bờ rào bằng lưới B40 bao quanh, tăng vẻ kiên cố chắc chắn lạnh lùng, và mấy chùm hoa khế không có dịp thò đầu vươn cánh nhìn xuống nước.      

Một thời bình an trôi qua. Bên mé suối cạn lửng lờ, cô bé em của Huệ Đức ngồi giặt đồ và ca hát véo von. Bờ còn hẹp, hai cây tre bắc ngang song song đủ cho mấy cô ngồi thòng chân, rửa sạch bùn đất từ mép quần công tác, sau đó phơi khô khỏi giặt giũ. Mấy con sóc chạy lăng quăng chỗ cây dẻ già to tướng, hai tay ôm bận bịu cất giấu thức ăn. Chim chóc thì véo von đủ kiểu. Chúng có ngôn ngữ của một miền yên tĩnh, không bận tâm nhiều cho một khoảng đời chẳng lâu dài lắm. Từng thứ ấy, cây rừng, bờ nước, trời đêm ngút ngàn sao đã nuôi dưỡng vỗ về chúng tôi một thuở.      

Bài viết

Như Đức

( Trích Tuần Báo Giác Ngộ số 102)

Tôi có tự hứa sẽ viết bài để mừng tuổi Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh 300 năm. Những lần đi về thành phố định tìm một vài cảm hứng, vào mùa nắng, nóng quá, tàn cây xanh chỉ đủ che mát một khoảng nào đó, chưa kịp nhập đề. Vào mùa mưa, đường phố bỗng dưng thành con suối, văn chương cũng trôi luôn. Sài Gòn không có gì thơ mộng để khi rời nó, người ta còn một chút gì lưu luyến như Đà Lạt, như Huế, như Hà Nội; chỉ thấy khỏe ra khi xe bắt đầu tách bến. Vậy mà khi ở xa, mỗi lần thấy chiếc xe đò có chú lơ thò đầu ra ngoài cửa la lớn ”… Gòn hông ? … Gòn hông ?”, tôi lại có cảm giác muốn bước lên xe.

Tôi không phải chính gốc người Sài Gòn. Ông ngoại tôi là ông đồ xứ Quảng. Nhằm thời ”ông nghè ông cống cũng nằm co”, những chàng thư sinh lỡ vận như ông không thể cấy tứ thư, ngũ kinh xuống ruộng, cũng không thể làm thợ… nên phải làm thầy đồ nho lưu động. Nghe người quen giới thiệu, ông vào Sài Gòn tìm được chỗ dạy học ở nhà mấy ông hương chức. Đó là vào thập niên thứ hai của thế kỷ này. Sài Gòn đất rộng làm ăn dễ dàng, ông nhắn bà ngoại tôi vô luôn. Đi bằng ghe bầu, má tôi còn nhớ tên ông chủ ghe là ông Lữ, người cùng quê. Má tôi kể, khi ghe ra biển, người lớn say sóng nằm mẹp; chỉ có con nít như má tôi và mấy đứa con ông Lữ ôm nhau lăn tròn trên sàn ghe, cười đùa thỏa thích.

Bài viết

Như  Đức

Viên Chiếu ăn cái Tết nầy nữa là thứ hai mươi hai. Hãy nhớ lại cái Tết đầu tiên của nó. Đêm trong rừng, không nấu bánh, không mai đào, chỉ có một cành dấm, thứ cây mọc trong rừng, lá chua như dấm, có trái hay bông màu đỏ tròn, được dân nhà nghèo chặt về chưng Tết. Ngồi với nhau chung quanh đống lửa trại, tưởng như mình đang ở vào thời hoang sơ nào đó, ca hát mặc tình, ai thức không nổi có thể nằm trên gác, thò đầu qua cửa sổ vui hùn. Ngày mùng một, tiếng chim rộn ràng mừng tuổi, cũng không cần để ý là mình 29 hay 30. Một bầy dẫn nhau ra Thường Chiếu. Thường Chiếu còn những vạt cỏ tranh, ngọn gió đông thổi héo tàn bông cỏ dại, một ngôi chùa tôn vách đất với mấy đứa trẻ con đi ra, đi vô. Thanh bình vô số kể.

Sáng nay, 28 tháng Chạp năm Bính Tý, mấy đại diện các Chiếu cùng với thầy Trụ Trì Thường Chiếu đi Chơn Không. Hình như thầy cũng nhắc về một thời bình an, một thời Tết không nhiều việc của ngày xưa. Con đường qua Bát Nhã bị cây rừng phủ lối, tôi và Giải Thiện đứng nhìn, mong tìm lại được một vài nét quen thuộc. Nhớ gì về một thời. Tâm thức nửa muốn lên tiếng, nửa muốn trả lại hư vô. Về Viên Chiếu gần 12 giờ trưa, phải thuê một chiếc Honda đưa vào, trên con đường mà chúng tôi đã từng đi bộ mòn gót, bây giờ …

Bài viết

Như Đức

Hồi đó trong sân chùa chúng tôi có một cây mận. Dáng cao lớn chắc chắn, có vẻ nó đã có mặt ở đây rất lâu, trước khi chúng tôi đến. Mỗi ngày đại chúng đi qua khoảng sân này nhiều lần, lên lớp học, lên chùa tụng kinh, và đặc biệt cây mận nằm gần LIÊU CHỨC SỰ nghĩa là nơi mà bọn nhỏ Sa-di rất sợ, vì hay bị gọi lên rầy rà. Có lẽ vì thế mỗi khi cây mận ra hoa trổ trái, chúng Sa-di đều hay. Hồi đó bánh kẹo không nhiều như bây giờ, vườn chùa chỉ có cây mận này và cây sa pô chê là gần tầm tay. Cây dừa ở sân sau, trái để dành nấu chè, nấu kiểm cúng rằm, không phải là thứ quà ăn vặt. Xoài thì lén hái cũng được, nhưng giới thứ hai đã cảnh báo, một ông Sa-di trộm bánh tráng chết đọa địa ngục ôm cái bánh lửa. Me thì tự do, nhưng quá cao và quá xa. Cây mận không quan trọng, nhiều khi trái rụng còn không ai để ý.

Minh Ngọc thường lân la gần cây mận, cầm cây khoèo dài để hái những chùm trái phía trên. Hắn không bao giờ ăn một mình, đem về chia trong liêu, bỏ trên đầu giường đứa này đứa nọ. Nhiều khi vừa cầm cuốn tập trên lớp xuống phòng, thấy mấy trái mận chín có một hai lá xanh trên cuống, như một món quà thân ái, bọn nhỏ Sa-di mừng rỡ, vui tươi ra mặt. Nhờ tánh thảo ăn như vậy, Minh Ngọc được đồng liêu ủng hộ, đôi lúc hùa theo mấy trò đùa nghịch ngợm, và lẽ dĩ nhiên cũng có lúc bị phạt quỳ hương hết cả đám. Một lần, trong ba tháng an cư, buổi tối sau 9 giờ thường có thời tịnh niệm tại đơn, mỗi người ngồi yên niệm Phật, Ni sư Tri chúng đi tuần liêu, kiểm soát hết từ liêu trên đến liêu dưới thì vừa đúng nửa giờ. Đèn trong phòng vặn rất thấp, Ni sư bước nhẹ nhàng, nếu ai ngồi ngủ thì Ni sư đến bên giường cũng không hay. Minh Ngọc nghĩ ra một kiểu báo động bằng cách để cái lon sữa bò không ngay giữa cửa liêu, Ni sư bước vào chắc sẽ đạp nhằm… Báo hại cả liêu hồi hộp theo dõi suốt thời tịnh niệm. Chẳng có một tiếng động nào vang lên, Ni sư bước vào rồi buớc ra. Chuông xả vừa vang lên là Minh Ngọc phóng đến cửa, cái lon còn y nguyên. Thử tưởng tượng nếu Ni sư vấp chân đêm đó, chắc cả liêu lại được dịp quỳ hương.

Bài viết

Như Đức

Tháng mười, thời tiết chuyển từ mưa sang nắng, gió bấc chớm lạnh, một buổi sáng nào đó ngủ dậy nghe hơi man mát ngoài da, thế là tôi đã đủ thấy nỗi vui mừng len chầm chập, như mùa lạnh đến từ từ. Ủa tháng mười, năm nào cũng đến, nhưng năm nào cũng là người khách không quen.

Tháng mười, nắng khô hanh đủ để phơi những hạt lúa mới gặt, nắng óng ả vàng như sân lúa vàng tươi. Bao nhiêu lần tháng mười đã qua nhưng tôi không níu giữ được những kỷ niệm về tháng mười, và nghĩ rằng mình thật vô tình, không có lời nào cho nó, trong khi năm nào tôi cũng tận hưởng đủ mọi niềm vui từ tháng mười, và nhất định lần này phải ăn sinh nhật cho tháng mười.

Bài viết

Như Đức   

Năm nay tôi đã có một chuyến đi dài, ở một miền có một nền văn minh đỉnh cao của nhân loại. Kỷ niệm về chuyến đi này cũng giống như khi người ta đi lạc vào khu rừng nhiều hương sắc, khi ra về muốn diễn tả lại cho người thân quen, không có gì chứng cứ, chỉ còn phảng phất vài mảnh vụn ký ức.      

Mọi thứ đều trôi nhanh, đó là điều ghi nhận đầu tiên. Xứ sở đó rất yêu chuộng tốc độ. Càng lúc càng phát minh những thứ máy móc siêu nhanh, tiết kiệm thời gian. Những con bọ điện tử phải chính xác và thần tốc. Luôn luôn có máy mới, nhất là về computer chỉ cần nhanh hơn năm phút là được thị trường yêu chuộng. Mọi người đi làm hối hả để có đủ tiền sắm những tiện nghi tiết kiệm cho mình năm – mười phút. Năm – mười phút dư đó để có thể làm thêm việc hái ra tiền. Và tiền để sắm máy mới… Tôi được nghe kể câu chuyện:      

Bài viết

Như Đức

Cửa tu viện mở ra trên đầu con dốc cao, bước xuống là lối đi chập chùng đổ xuôi theo triền núi. Ở phiến đá đầu cổng, thầy tri khách vừa phất tay áo tiễn một người quen, khách chỉ bước xuống một vài bậc đá mòn là đã khuất, trên này chỉ còn lại bầu trời trong xanh và những cơn gió cợt đùa nhau trong vườn cây của tu viện. Thầy chậm rãi trở vào, màu áo vàng bay phất phới dưới những tàn cây màu lục đậm, như một cánh đại bàng vũ lộng. Sau lưng thầy, ba chữ ”Tống khách đầu” khắc bên bảng gỗ dựng bên lối đi, nổi bật màu nâu đỏ.

Chàng trẻ tuổi mới leo lên được lưng chừng con đường, ngóng cổ nhìn lên chỉ thấy đầu ngọn lá thướt tha của hàng khuynh diệp, không tăm dạng nhà cửa lẫn bóng người. Chàng hơi ngần ngừ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp, lột giày vớ, xoa bóp chân cẳng. Nhìn tới ngó lui chỉ có chàng là người leo núi độc nhất sáng nay, con đường phía dưới ngoằn ngoèo xa tít, gần bên bầy chim sẻ lao chao rỉa cánh và ngó nghiêng chàng không chút gì sợ hãi. Hồi lâu mới thấy một chú tiểu vác bó củi đi lên, tới chỗ chàng ngồi chú cười làm quen và quăng bó củi xuống gần đó, chú cũng ngồi nghỉ chân để lau bớt mồ hôi đang nhỏ giọt trên khắp mặt mũi.

Bài viết

Như Đức

Chúng ta phải chuẩn bị những tâm tư, tình cảm, trí tuệ… thế nào để chúng ta có thể tọa thiền? Trong cương vị của người cư sĩ tại gia bận rộn với trần thế mà mình vẫn có thì giờ tìm phương cách để thể hội sự tu tập làm Phật – Là gia tài của Phật. Việc thành Phật, trong thâm tâm mỗi người có mỗi cái khó riêng, mỗi hoàn cảnh riêng, vô số vấn đề xoay vần cột trói quý vị. Vậy làm thế nào tọa thiền cho được yên? Tọa thiền cho nghiêm chỉnh? – Tất cả công phu của chúng ta đều nằm ở  trong đó. Chẫm rãi mà tu… Khi tọa thiền xem tất cả những vọng tưởng của mình như những cuồn phim lướt qua lướt qua. Và nhất định nhớ đó chỉ là phim, đừng để làm chủ mình, đó là bí quyết. Vì chúng ta huân tập những thứ thế gian nhiều quá nên chúng ta cần được nhắc nhở thường xuyên về sự tu tập.      

Chúng ta sẽ tận dụng thời giờ, tận dụng những gì chúng ta biết về Phật pháp để áp dụng tu tập, đó là quyết tâm thứ nhất. Quý vị nên nuôi dưỡng điều này cho nó sống mãi. Mặc dầu mỗi ngày quý vị chỉ nuôi trong khoảng ba mươi phút hoặc một tiếng đồng hồ nhưng dành cho nó trọn vẹn, thời gian đó là thời gian tập tọa thiền – nuôi ước vọng làm Phật của mình. Chúng ta đừng vì lý do gì mà xao lãng việc tọa thiền. Chúng ta cần phải nghiêm túc, giờ giấc đều đặn, không được bỏ qua, phải tạo cho mình một thói quen giờ khắc.      

Bài viết

Mừng Thành Đạo 2004

Như Đức

Trong chuyện Tây Du, ba đồ đệ của Đường Tăng tượng trưng cho ba tính chất khắc nghiệt nhất của con người, nói theo danh từ nhà Phật là ba phiền não cội gốc: tham, sân, si. Yêu ma quỷ  quái ngăn trở trên đường như là muôn trùng phiền não bủa vây, không cho hành giả thành chánh đạo. Trừ ma trước tiên phải nhiếp phục phiền não, nên trên đường thỉnh kinh Đường Tăng phải thu phục đồ đệ. Nhiếp phục tham sân si rồi thì ma chướng nào cũng qua, dù chúng có hăm he bắt nhốt đòi làm thịt Đường Tăng nhậu với nhau. ”Ăn một miếng thịt Đường Tăng thì sống lâu muôn tuổi”, chúng ma đồn đãi với nhau như thế, nên động yêu nào cũng rình bắt cho được thầy. Đường Tam Tạng như là thủy giác, tính Phật mới nhận ra, đi thỉnh kinh là trở về bản giác, tính Phật vốn sẵn. Có sẵn tính Phật nhưng vì bất giác vô minh nên chịu trầm luân trăm cay ngàn đắng. Nếu để cho bất giác nắm thế chủ động, nghĩa là ma ăn thịt được Phật thì vô minh ngàn muôn kiếp, nên mới nói ăn thịt Đường Tăng ma sống rất lâu. Ma, Phật cũng chỉ là ảo tưởng dựng lên bởi một niệm vọng động đầu tiên, khi đưa cây kiếm trí tuệ ra thì tất cả chỉ là ảo hóa.

Bài viết

Như Đức

Buổi tối đó, hộ thất đã mang ra cho tôi một bông hoa quỳnh vừa hé nở, cắm trên dĩa tròn với một cọng thủy vi tùng xanh biếc. Chiều lòng, tôi đã phải ngồi dậy, thắp cây đèn dầu lớn để ngắm nghía. Loài hoa thiệt lạ chỉ nở vào ban đêm. Tôi là kẻ không ưa thức đêm, đã phải tận tình chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó trước khi đi ngủ và để cây đèn bên cạnh, ánh sáng vừa đủ soi vẻ trắng muốt dịu dàng của bông hoa, trong căn thất nhỏ. Mùi hương nhẹ thoáng không ngợp lắm, tôi có thể chịu được, và thỉnh thoảng giữa cơn ngủ say, tôi tỉnh dậy, ngóc lên nhìn đầu tủ, nụ hoa quỳnh vẫn còn đó, lặng lẽ nở một mình. Cánh hoa mỏng trắng tinh xếp khít khao với nhau, làm tôi nhớ màu lụa trắng của thời học sinh trung học, màu lụa thật nhẹ và mơ mộng như lứa tuổi thời ấy.

Ý tưởng có một bông hoa làm bạn với mình trong thất, và không lâu, sáng mai mình sẽ không còn thấy nó nở tung, hé mở những chiếc cánh thế này, để lộ từng chùm nhụy cong vút mảnh mai bên trong. Tôi đã phải chịu khó thức dậy nhiều lần để ngắm bạn. Nụ hoa vẫn nở bất kể là có tôi hay không có tôi, bất kể là đang ở trên cành hay được cắm vào dĩa.

Bài viết