Thuần Chánh
Mới đây thôi, khi học đến phẩm An Lạc Hạnh trong kinh Pháp Hoa, chúng tôi thảo luận về sự bố thí và nhắc đến thái tử Tu-đại-noa. Cái gút nằm ở chỗ Thái tử cho hai đứa trẻ và công chúa.
Từ lúc biết đọc truyện cổ tích Phật giáo, tôi đã không thích câu chuyện này ở cái gút đó. Thái tử phát tâm bố thí, ông muốn cho lâu đài, thành quách, châu báu gì thì cứ việc cho, có muốn bố thí sinh mạng ông cho tròn hạnh nguyện cũng được, tôi không nói tới.
Nhưng cho hai đứa trẻ và công chúa là điều không thể chấp nhận. Cho vợ con là việc làm vô nhân bản, không thể coi hai trẻ và công chúa như một vật vô tình sở hữu. Và tôi không ưa được đoạn oái ăm đó, một đoạn lý đáng rất cảm động.
Vì chưa đồng ý, nên tôi chưa nhớ rõ vị giáo đạo đã mở gút đó thế nào cho hợp tình hợp lý. Tôi vẫn còn suy nghĩ, bởi đối với chúng tôi bố thí là hạnh đứng đầu trong ”sáu ba-la-mật”.
Truyện Thái tử Tu-đại-noa được kể với nhiều bút pháp khác nhau, cốt truyện có sai khác chút đỉnh, nhưng hễ đọc đến khúc quanh đó, tôi luôn bị ”khựng” lại, thắc mắc không biết hiểu sao cho phải với hạnh nguyện của người xưa. Sự không ưa ngày trước không còn rõ nét nữa, chỉ còn lại một sự băn khoăn.
***
Có thể tôi tạm suy nghĩ như thế này:
Có lẽ ngày đó tôi không đứng trên tâm trạng và trái tim của người từ bỏ. Tôi chưa từng nghĩ mình phải từ bỏ cái gì hết. Và có cần thiết hay không sự ”bố thí thái quá” đó trong cuộc đời này! Mãi cho đến khi, chữ ”từ bỏ” nhen nhúm trong tim tôi, cái đốm lửa lập loè bé bỏng giữa đêm dày đặc đã làm chúng tôi trăn trở không ít.
Nghĩ đến thái tử Tu-đại-noa, cảm phục Thái tử bằng cuộc đời tu tập vụng về của mình. Ngẫm nghĩ lời dạy của ngài Triệu Châu: ”Con nít ba tuổi cũng biết, ông già bảy mươi chưa chắc làm được”.
Thật không dễ dàng buông đi cái gì đó khi nó là sở hữu của mình. Vật vô tình đã khó, huống là hữu tình – cái mà mình còn đang coi là niềm vui, là tin yêu, là điểm tựa.
Tôi vẫn ngồi bên bàn cân nghiêng ngửa, buồn rầu khi thấy thế giới nhẹ hơn trái tim mình, nghĩ đến thái tử Tu-đại-noa và trái tim buông bỏ của Người mà thấm thía thuật ngữ ”tu tập hạnh Bồ Tát”.
-o-
Mùa thu sư quét lá vàng
Mùa đông sư quét sương tan hiên chùa
Nửa đêm trời chuyển giao mùa
Lặng nghe trong gió tiếng đùa trúc lan.
(Thuần Chánh)