Như Đức
Hồi đó trong sân chùa chúng tôi có một cây mận. Dáng cao lớn chắc chắn, có vẻ nó đã có mặt ở đây rất lâu, trước khi chúng tôi đến. Mỗi ngày đại chúng đi qua khoảng sân này nhiều lần, lên lớp học, lên chùa tụng kinh, và đặc biệt cây mận nằm gần LIÊU CHỨC SỰ nghĩa là nơi mà bọn nhỏ Sa-di rất sợ, vì hay bị gọi lên rầy rà. Có lẽ vì thế mỗi khi cây mận ra hoa trổ trái, chúng Sa-di đều hay. Hồi đó bánh kẹo không nhiều như bây giờ, vườn chùa chỉ có cây mận này và cây sa pô chê là gần tầm tay. Cây dừa ở sân sau, trái để dành nấu chè, nấu kiểm cúng rằm, không phải là thứ quà ăn vặt. Xoài thì lén hái cũng được, nhưng giới thứ hai đã cảnh báo, một ông Sa-di trộm bánh tráng chết đọa địa ngục ôm cái bánh lửa. Me thì tự do, nhưng quá cao và quá xa. Cây mận không quan trọng, nhiều khi trái rụng còn không ai để ý.
Minh Ngọc thường lân la gần cây mận, cầm cây khoèo dài để hái những chùm trái phía trên. Hắn không bao giờ ăn một mình, đem về chia trong liêu, bỏ trên đầu giường đứa này đứa nọ. Nhiều khi vừa cầm cuốn tập trên lớp xuống phòng, thấy mấy trái mận chín có một hai lá xanh trên cuống, như một món quà thân ái, bọn nhỏ Sa-di mừng rỡ, vui tươi ra mặt. Nhờ tánh thảo ăn như vậy, Minh Ngọc được đồng liêu ủng hộ, đôi lúc hùa theo mấy trò đùa nghịch ngợm, và lẽ dĩ nhiên cũng có lúc bị phạt quỳ hương hết cả đám. Một lần, trong ba tháng an cư, buổi tối sau 9 giờ thường có thời tịnh niệm tại đơn, mỗi người ngồi yên niệm Phật, Ni sư Tri chúng đi tuần liêu, kiểm soát hết từ liêu trên đến liêu dưới thì vừa đúng nửa giờ. Đèn trong phòng vặn rất thấp, Ni sư bước nhẹ nhàng, nếu ai ngồi ngủ thì Ni sư đến bên giường cũng không hay. Minh Ngọc nghĩ ra một kiểu báo động bằng cách để cái lon sữa bò không ngay giữa cửa liêu, Ni sư bước vào chắc sẽ đạp nhằm… Báo hại cả liêu hồi hộp theo dõi suốt thời tịnh niệm. Chẳng có một tiếng động nào vang lên, Ni sư bước vào rồi buớc ra. Chuông xả vừa vang lên là Minh Ngọc phóng đến cửa, cái lon còn y nguyên. Thử tưởng tượng nếu Ni sư vấp chân đêm đó, chắc cả liêu lại được dịp quỳ hương.
…