Thiền viện Viên Chiếu được khai sinh từ những ngày đầu tháng 5 năm 1975 (một tuần lễ sau ngày Giải Phóng) trên một khoảng rừng, thuộc xã Phước Thái (nay là Phước Bình) huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách quốc lộ 51 chừng 2 km.
Ban sơ Thiền viện chỉ là một ngôi nhà gác lửng, chắp nối bằng đủ thứ cây rừng, tôn, lá tranh, tre, khoảng chừng hơn mười người với một mẫu ruộng nước phèn và mấy mẫu rừng dang dở. Dần dà đến năm 1982, xây dựng được ngôi chánh điện đầu tiên vách ván, mái tôn, vườn và ruộng đã ổn định thành hình từ từ, tuy nhiên vẫn còn phải đối phó với nước lụt mỗi năm, vì nằm trên dòng suối gần đập Thủy Lợi. Thiền viện đã có một quần thể gồm tăng đường, nhà kho, nhà bếp, nhà khách, số Ni chúng lên đến hơn ba chục vị. Công tác chính là ruộng rẫy thường xuyên, mỗi tháng học kinh với Hòa Thượng một ngày và học với các vị giáo thọ trong viện, vào lúc rảnh.
Cho đến năm 1994, Thiền viện thay hình lột xác quan trọng. Nhờ các yếu tố thuận lợi bên ngoài, bên trong là sự dìu dắt chu đáo của Hòa Thượng cùng nỗ lực tận tình của Ni chúng. Thiền viện đã xây dựng ngôi chánh điện khang trang như hiện nay, sau gần hai mười năm lao động. Ruộng vườn đẹp hơn xưa, một mẫu lúa nằm trên cánh đồng mà trong địa bạ gọi là đồng Viên Chiếu, chung quanh là ruộng lúa của dân cư đã theo dấu khẩn hoang vào đây sinh sống. Vườn tràm, vườn đậu phọng, sầu riêng, tiêu, chôm chôm, mít, xoài, điều, chiếm khoảng năm mẫu đất.
Số ni chúng tăng gấp đôi, sinh hoạt đã thành nếp, mỗi ngày lao động buổi sáng, buổi chiều học kinh – trừ những ngày mùa. Đến năm 1998, chương trình tu nhập thất được Hòa Thượng đưa vào Thiền viện, và một khu vực nhập thất dành cho các hành giả thay phiên nhau vào an cư tĩnh tu.
Đến nay 1999 Thiền viện đã được gần hai mươi lăm tuổi. Đổi thay đẹp hơn xưa, đời sống tu học vững vàng, tinh thần thiền đã chỉ đạo hướng dẫn mọi lối cho người hiện tại và mai sau. Từ quyết định ban đầu của Hòa Thượng viện trưởng Trúc Lâm, cho đến ngày nay, Thiền viện Viên Chiếu sống Hòa hợp an vui trong ân đức của Ngài. Hiện tại số ni chúng gần chín mươi vị, ban lãnh đạo gồm Trụ trì: Thích nữ Như Đức, Phó trụ trì: Thích nữ Hạnh Phước, Thủ bổn: Thích nữ Hạnh Huệ và một ban Giáo thọ gồm quý vị đã sống khai hoang từ những ngày đầu và đã dạy thêm trên những trường Phật học của huyện.
Tinh thần giác ngộ và tự lực đã thành công qua mô hình của Thiền viện. Với sức mạnh tin tưởng vào chính khả năng mình, cùng sự phát triển thuận tiện của đất nước, Viên Chiếu luôn sống nhịp nhàng bên cạnh các Thiền viện do Hòa Thượng viện trưởng Trúc Lâm lãnh đạo.
Viên Chiếu 1999