Kategoria: Bài viết

Như Đức

Ngày mùng một năm Nhâm Thìn (23.01.2012)

Đêm Giao thừa, đại chúng đã cùng nhau ngồi thiền từ 7g30 đến 11g30. Tuy nhọc mệt nhưng ai cũng cố gắng ngồi vì những lao xao ồn ào của tâm cứ dấy động không ngừng nghỉ, cần ngồi để lắng. Có người buồn ngủ ghê lắm vì mấy ngày cuối năm bao nhiêu việc dồn dập, thôi thì cũng cứ ngồi đại trên bồ đoàn vì “ngủ là ngủ, tu là tu”.

Đêm cứ khuya, một đêm của cuối năm có nhiều ngôi sao cùng thức với nhau trên bầu trời trừ tịch. Gần 12 giờ, một trận mưa nhẹ lất phất bay qua, mình chợt nghĩ năm nay là năm rồng, bầu trời nhiều mây, chắc là một ông rồng nào đó mới vừa thử nhá tín hiệu. Đại chúng cùng lễ vía Phật Di-lặc đón giao thừa. Chánh điện có một cái trống mới, đầu tiên khai trống lễ Phật, chuông trống vang lên giữa xóm làng tịch mịch. Lễ Phật xong là gần 1g sáng, bắt đầu năm mới, mình đã lăn đùng ra ngủ. Không biết tại sao phải ngủ mới chịu nổi với cuộc đời? Rồi nghe mơ hồ ba hồi kiểng thức chúng, hình như Hạnh Huệ đã đi hô thiền canh năm, mình thì còn nằm trên giường. Lạy Phật con xin sám hối! Mở choàng mắt ra thấy gần 5g sáng. Hôm nay hẹn ra đảnh lễ Hòa thượng, ủa sao mọi người vẫn còn nín thinh. Lật đật cuốn mùng xếp mền, tỉnh hơn một chút vì biết hôm nay sẽ rất nhiều việc. Xuống bếp một vòng nhìn lửa cháy trong lò, chỉ là thói quen thôi, trở lên nhìn đồng hồ mới 4g rưỡi. Ồ, được lời nửa tiếng, mừng quá, nhờ nhìn lầm đồng hồ mà dậy sớm.

Bài viết

Như Đức

Tháng 10 bước qua tháng 11, trong không khí nghe hơi chớm lạnh, thỉnh thoảng có những buổi trưa nắng hanh vàng, trong veo như một lời ca “màu nắng hay là màu mắt em”. Những giò lan Nghinh Xuân cảm nhận thời tiết dễ chịu, bắt đầu nhú một chồi hoa. Buổi sáng đi tưới cây, đưa nhẹ vòi nước trên từng nách lá, thấy hé mở những con mắt non mởn, lòng thầm reo vui: A! Nghinh Xuân!

Phương Nam này, nắng nóng quanh năm, càng lúc càng nóng. Một năm qua với nhiều chuyện không vui, bão lụt, động đất, tuyết phủ làm trở ngại đường bay, nơi thì khô hạn đất nứt, nơi thì mưa dầm lê thê… Đủ thứ tin tức trên một trái đất chớm già nua hư hoại. Trong kinh Đức Phật có dự ký rằng, đến thời kỳ cuối, bảy mặt trời xuất hiện, đất đai không còn tươi nhuận, chỉ có gai góc sỏi đá, thực phẩm trở nên độc hại khan hiếm, người ta thường nổi sân giận, cho đến nỗi một cọng cỏ cũng có thể giết người. Mình có đọc đoạn kinh này, vào thời còn trẻ hồn nhiên, nghĩ rằng Phật nói như vậy chắc cũng còn lâu lắm, chuyện đó xảy ra ở đâu thôi, nơi mình ở vẫn thấy yên ổn. Bằng cớ là mỗi năm Tết đến, Nghinh Xuân bắt đầu đón chào trước, rồi mấy cây đào rừng đơm nụ đơm hoa lộng lẫy, mai vàng tinh khôi chờ lặt lá xong là trổ hoa vàng rực. Tết, xuân thì trong năm là thời khắc còn đẹp, còn mơ màng một nụ cười của trời đất.

Bài viết

Thuần Tuệ

Ngày xửa ngày xưa, trên ngọn Lãnh Sơn ít ai bước chân tới, có một cụ già ngồi quay bánh xe nước bên con suối Hàn Thủy. Cụ có mặt từ bao giờ không ai biết. Màu trắng bạc của râu tóc và màu năm tháng của y phục cụ hài hòa với dòng trắng xóa của con nước. Bánh xe dưới tay cụ với một điệu quen thuộc krooc… krach… krooc… krach… quay đều. Nước cuốn tròn theo trục bánh xe bắn ra những tia dài lấp lánh, sáng trăng, rồi rơi trở lại dòng sủi tăm và hòa theo con nước tiếp tục chảy đi.

Con đường mòn bên bờ suối từ lâu ít có dấu chân người qua lại. Nhưng vẫn có đấy chứ! Trông kìa, phía sau lùm cây thiên thần ngồi trên lưng ngựa trắng. Đến bờ suối, chàng trai trẻ nhảy xuống. Đôi mắt chàng tinh anh, nhanh nhẹn, vầng trán vững tin pha chút kiêu ngạo. Toàn thân chàng trai toát ra một sức sống kỳ lạ. Cây cỏ dưới chân chàng đều rạp mình ngưỡng mộ:

Bài viết

Như Đức

Vào năm mới, chúng ta thường chúc nhau: Hạnh phúc, bốn mùa bình an, phát tài phát lộc v.v… Những lời chúc đó là ước vọng, mong muốn chung của tất cả. Chúng ta gọi nó là miền hạnh phúc, cõi bờ hạnh phúc, và có lẽ suốt đời tồn sinh đều là đi tìm hạnh phúc.

Cô bé ba tuổi, tóc cột nơ xinh xắn, mặt mày rạng rỡ đưa tay chỉ trên bàn viết của tôi: Kẹo kìa! Trong khi tôi còn chưa nhớ ra mình có bao nhiêu viên kẹo để giữa sách vở ngổn ngang. Chỉ có bé nhận ra nhanh nhất, và hạnh phúc khi cầm viên kẹo thì không thể tả. Cô bé này lớn lên sẽ không cần viên kẹo ngọt, mà niềm vui là lúc xuân về, cùng bạn bè diện áo hoa quần lục, đi chơi phố.

Bài viết

Thuần Chánh

”Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài sẽ là Phật”. Khi đọc tới phẩm kinh này, tôi vẫn ngạc nhiên về niềm tin chắc chắn, về sự khẳng định tuyệt đối này. Tôi không dám nói là mình hoài nghi nhưng tin như ngài Thường Bất Khinh ư? Tôi cũng không dám bảo là tin.

oOo

Lúc nhỏ, có lần tôi làm bể cái ly ở trong tủ, tôi không dám đến gần tủ. Khi nghe má tôi rầy bà chị, tôi mừng quá. Thoát nạn! Má tôi đâu có ngờ là tôi. Tôi có khi nào rửa chén; mà mở tủ lấy ly lại càng không có! Dĩ nhiên là bà chị tôi đâu có thanh minh là chị vô tội, vì rửa ly chén và dọn dẹp tủ là bổn phận của chị.

Bài viết

Hạnh Đoan

Khi khu vườn Viên Chiếu hoa nở ngát hương, những cánh chim trưởng thành lần lượt tiếp sức đầu đàn dắt dìu đàn em, thì người ta luôn bắt gặp những nhân dáng trang trọng, nghiêm túc để có thể xứng đáng làm mô phạm cho hậu sinh, nên ít ai biết, tưởng tượng được đến cái thời đầu ngô nghê của Viên Chiếu, cái thuở vị thành niên còn nhiều bất toàn, và nụ cười hồn nhiên còn rộn rã ngân vang.

Từ Bát Nhã xuống Viên Chiếu, mỗi người được phát cái thùng giấy to để đựng “gia tài sản nghiệp” gồm ba bộ đồ, mùng mền, vật dụng tùy thân. Chỉ có cái đơn cô Đức là vật thể an toàn duy nhất, nằm giữa trung tâm cái cốc lá râu ria, đựng đủ thứ đồ hằm bà lằng, gồm tài sản riêng cô và của chung cả chùa – nghĩa là ngoài chiếc thùng giấy – chúng tôi cần gì cứ giở đơn cô ra lấy: tập vở, đơn từ, dây thun luồn quần, kim chỉ, nút, viết…    

Bài viết

Thuần Chánh      

Mới đây thôi, khi học đến phẩm An Lạc Hạnh trong kinh Pháp Hoa, chúng tôi thảo luận về sự bố thí và nhắc đến thái tử  Tu-đại-noa. Cái gút nằm ở chỗ Thái tử cho hai đứa trẻ và công chúa.

            Từ lúc biết đọc truyện cổ tích Phật giáo, tôi đã không thích câu chuyện này ở cái gút đó. Thái tử phát tâm bố thí, ông muốn cho lâu đài, thành quách, châu báu gì thì cứ việc cho, có muốn bố thí sinh mạng ông cho tròn hạnh nguyện cũng được, tôi không nói tới.

Nhưng cho hai đứa trẻ và công chúa là điều không thể chấp nhận. Cho vợ con là việc làm vô nhân bản, không thể coi hai trẻ và công chúa như một vật vô tình sở hữu. Và tôi không ưa được đoạn oái ăm đó, một đoạn lý đáng rất cảm động.

Bài viết

Như Đức

Khu vườn có nhiều tiếng chim. Chúng có thời khắc nhất định trong ngày, chịu khó để ý sẽ nghe. Buổi sáng mát mẻ, tiếng chim chích chòe lanh lảnh dồn dập: “Ngồi yên hết trơn”, “Ngồi yên quá tay”, “Vọng tưởng chút chút thôi”, “Đừng đi quá xa”. Giữa những đoạn ngắn, đôi khi chúng tuông ra một tràng: “Đôi khi cũng muốn đi lòng vòng”, “Đôi khi cũng muốn đi về nhà”… Dĩ nhiên đây là diễn dịch của người nghe, ai có trong tâm chuyện gì thì nghe ra chuyện đó.       

Thỉnh thoảng có giọng chim trầm trầm đều đều chen vào đổi tông. Không biết tại sao người ta gọi nó là chim Mồ Côi, để dịch tiếng hót đổ hồi của nó thành ra: “Père, mère, frère tout est perdu” (Nghĩa là: Cha, mẹ, anh em tất cả đều mất). Đây ắt là qua lỗ tai của một người Pháp xa xứ, cô đơn hay sao mà cho tiếng hót có nghĩa như thế. Nhân đây lại nhớ đến tiếng cắc kè. Thường buổi tối, ở góc nhà thường vang lên: “Cắc kè è è è…” Nhân tiếng đó mà người ta đặt tên, còn mấy cái âm è è ở sau nghe tức cười. Nhưng có người nói, hồi ở ngoài Bắc mới vào, nghe nó kêu như nhắc mình: “Bắc kỳ, Bắc kỳ” nhớ nhà chịu không nổi. Rồi có người cãi, tại nghe như vậy chứ rõ ràng nó kêu “Tắt đèn, tắt đèn”, chắc biểu mình hà tiện điện.      

Bài viết

Như Đức

Khi tôi cho xây lại bờ con suối, chỗ bị nước xói mòn hư hao nghiêm trọng, tôi có cảm giác như mình phạm một lầm lỗi với thiên nhiên. Phía bờ đối diện vẫn còn bờ đất thô sơ, mấy cây dừa bụi tre an nhàn, và một dãy sen mọc lân la bên bờ cỏ gần nước. Vậy mà bên này đại chúng vẫn hì hục tấn đá, đổ đất, đổ cột beton – Viễn cảnh sẽ có một bờ rào bằng lưới B40 bao quanh, tăng vẻ kiên cố chắc chắn lạnh lùng, và mấy chùm hoa khế không có dịp thò đầu vươn cánh nhìn xuống nước.      

Một thời bình an trôi qua. Bên mé suối cạn lửng lờ, cô bé em của Huệ Đức ngồi giặt đồ và ca hát véo von. Bờ còn hẹp, hai cây tre bắc ngang song song đủ cho mấy cô ngồi thòng chân, rửa sạch bùn đất từ mép quần công tác, sau đó phơi khô khỏi giặt giũ. Mấy con sóc chạy lăng quăng chỗ cây dẻ già to tướng, hai tay ôm bận bịu cất giấu thức ăn. Chim chóc thì véo von đủ kiểu. Chúng có ngôn ngữ của một miền yên tĩnh, không bận tâm nhiều cho một khoảng đời chẳng lâu dài lắm. Từng thứ ấy, cây rừng, bờ nước, trời đêm ngút ngàn sao đã nuôi dưỡng vỗ về chúng tôi một thuở.      

Bài viết

Như Đức

( Trích Tuần Báo Giác Ngộ số 102)

Tôi có tự hứa sẽ viết bài để mừng tuổi Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh 300 năm. Những lần đi về thành phố định tìm một vài cảm hứng, vào mùa nắng, nóng quá, tàn cây xanh chỉ đủ che mát một khoảng nào đó, chưa kịp nhập đề. Vào mùa mưa, đường phố bỗng dưng thành con suối, văn chương cũng trôi luôn. Sài Gòn không có gì thơ mộng để khi rời nó, người ta còn một chút gì lưu luyến như Đà Lạt, như Huế, như Hà Nội; chỉ thấy khỏe ra khi xe bắt đầu tách bến. Vậy mà khi ở xa, mỗi lần thấy chiếc xe đò có chú lơ thò đầu ra ngoài cửa la lớn ”… Gòn hông ? … Gòn hông ?”, tôi lại có cảm giác muốn bước lên xe.

Tôi không phải chính gốc người Sài Gòn. Ông ngoại tôi là ông đồ xứ Quảng. Nhằm thời ”ông nghè ông cống cũng nằm co”, những chàng thư sinh lỡ vận như ông không thể cấy tứ thư, ngũ kinh xuống ruộng, cũng không thể làm thợ… nên phải làm thầy đồ nho lưu động. Nghe người quen giới thiệu, ông vào Sài Gòn tìm được chỗ dạy học ở nhà mấy ông hương chức. Đó là vào thập niên thứ hai của thế kỷ này. Sài Gòn đất rộng làm ăn dễ dàng, ông nhắn bà ngoại tôi vô luôn. Đi bằng ghe bầu, má tôi còn nhớ tên ông chủ ghe là ông Lữ, người cùng quê. Má tôi kể, khi ghe ra biển, người lớn say sóng nằm mẹp; chỉ có con nít như má tôi và mấy đứa con ông Lữ ôm nhau lăn tròn trên sàn ghe, cười đùa thỏa thích.

Bài viết