Nhật ký Viên Chiếu

Như Đức

Ngày mùng một năm Nhâm Thìn (23.01.2012)

Đêm Giao thừa, đại chúng đã cùng nhau ngồi thiền từ 7g30 đến 11g30. Tuy nhọc mệt nhưng ai cũng cố gắng ngồi vì những lao xao ồn ào của tâm cứ dấy động không ngừng nghỉ, cần ngồi để lắng. Có người buồn ngủ ghê lắm vì mấy ngày cuối năm bao nhiêu việc dồn dập, thôi thì cũng cứ ngồi đại trên bồ đoàn vì “ngủ là ngủ, tu là tu”.

Đêm cứ khuya, một đêm của cuối năm có nhiều ngôi sao cùng thức với nhau trên bầu trời trừ tịch. Gần 12 giờ, một trận mưa nhẹ lất phất bay qua, mình chợt nghĩ năm nay là năm rồng, bầu trời nhiều mây, chắc là một ông rồng nào đó mới vừa thử nhá tín hiệu. Đại chúng cùng lễ vía Phật Di-lặc đón giao thừa. Chánh điện có một cái trống mới, đầu tiên khai trống lễ Phật, chuông trống vang lên giữa xóm làng tịch mịch. Lễ Phật xong là gần 1g sáng, bắt đầu năm mới, mình đã lăn đùng ra ngủ. Không biết tại sao phải ngủ mới chịu nổi với cuộc đời? Rồi nghe mơ hồ ba hồi kiểng thức chúng, hình như Hạnh Huệ đã đi hô thiền canh năm, mình thì còn nằm trên giường. Lạy Phật con xin sám hối! Mở choàng mắt ra thấy gần 5g sáng. Hôm nay hẹn ra đảnh lễ Hòa thượng, ủa sao mọi người vẫn còn nín thinh. Lật đật cuốn mùng xếp mền, tỉnh hơn một chút vì biết hôm nay sẽ rất nhiều việc. Xuống bếp một vòng nhìn lửa cháy trong lò, chỉ là thói quen thôi, trở lên nhìn đồng hồ mới 4g rưỡi. Ồ, được lời nửa tiếng, mừng quá, nhờ nhìn lầm đồng hồ mà dậy sớm.

Xe chú Ánh chở ra Thường Chiếu trời vẫn chưa sáng, vẫn còn đèn đường, một vài chiếc xe chạy sớm. Hôm nay là ngày đầu năm, lần đầu tiên chúng mình xếp hàng lễ Phật, lễ Tổ. Thường Chiếu uy nghiêm một vùng. Ngồi chơi một chút, làm khách một chút, cùng huynh đệ chuyện trò để đợi đảnh lễ Hòa thượng. Thấy bóng người đắp y vàng quanh thất, cùng đại chúng vội tề tựu, không ai nói ai nhưng cùng hiểu là không thể chần chờ. Nhìn qua khung cửa kiếng, bên trong các vị thị giả đảnh lễ Hòa thượng, hình ảnh rất cảm động. Hòa thượng còn cho phong bao lì xì, ai nấy mặt mày rạng rỡ. Quý Ni sư Linh Chiếu, An Lạc, Hương Hải dần có mặt rủ nhau vào trong thất đợi Hòa thượng. Mình cũng biết mới sáng sớm Hòa thượng chưa ăn điểm tâm, vậy mà bầy con đã kéo đến. Một năng lực từ bi bao quanh đại chúng, cùng rạp mình lễ lạy, lời chúc tụng thầy được  khỏe, sống lâu với chúng con để chúng con nương tựa vững bền. Hòa thượng nhìn từng gương mặt, không nói gì nhưng hiểu rõ ước vọng của con cháu. Mỗi người cũng được phong bao lì xì giống trẻ nít được quà.

Yên tâm về Viên Chiếu để lo cho một ngày đầu năm. Các em Gia đình Phật tử chúc Tết, hàng xóm láng giềng người xa kẻ gần đến viếng chùa chúc mừng, đãi nhau dưa hấu đỏ, bánh tét dưa món. Năm nay thức ăn nào cũng ngon, hay là tại đói bụng nên ăn ngon? Nếu Hòa thượng ở Trúc Lâm Đà Lạt thì sau 12g trưa đại chúng một số đã lên xe dong ruổi đường xa. Sẽ đến Hương Vân khoảng 8g tối, cùng gặp mặt các huynh đệ thiền viện tông môn để sáng mồng 2 đảnh lễ. Năm nay, sẽ không là như vậy. Biết rằng mọi thứ không có gì trùng lặp, nhưng đến chiều vắng khách, gọi điện thoại cho Hạnh Như, chỉ để nói rằng “Nhớ Tết Đà Lạt”.

Chiều tối 6g, đại chúng đảnh lễ quý Thầy, cùng dặn dò nhau ráng tu, để coi, Hạnh Huệ có nói rằng năm nay là năm rồng. Rồng chuyên coi việc làm mưa, theo truyền thuyết, không cần phải hút hết nước biển mới có mưa, chỉ cần phun một ngụm nước là có mưa ngay. Chuyện Tây Du Ký kể như vậy. Đại chúng nên phun ra những đám mưa, không cần tốn khí lực mà hiệu quả vô cùng. Để xem thử tu cách nào mà vừa khỏe vừa có lợi.

Ngày mùng hai (24.01.12)

Những ngày Hòa thượng dưỡng bệnh ở Thường Chiếu thật ấm cúng. Sáng nay đại chúng cũng được đi đảnh lễ, những người hôm qua chưa đi. Nếu Hòa thượng ở Đà lạt, mỗi lần đi nhiều nhất cũng chỉ được 25-26 người, một năm chia làm sao mà ai cũng được gặp Hòa thượng một lần. Trong sổ chia phiên, lần cuối đại chúng đi Đà lạt là ngày lễ vô hạ, nhằm Phật đản. Đi bất cứ nơi đâu, gặp Hòa thượng là mọi người đều hoan hỷ. Chiếc xe 15 chỗ nhưng nhét 30 người không kể tài xế, khi xuống xe tại nhà khách Thường Chiếu cứ thấy người bước xuống hoài không ngớt. Gặp sư già H. Liễu, đi từ Long Hải đâu từ hồi khuya, đảnh lễ thầy rồi bây giờ cũng nhập đoàn theo vào.

Đại chúng sắp hàng đứng bên ngoài, trụ trì vào trước trong thất, thầy đang dùng sáng. Hôm nay ăn cháo đậu xanh và một món đồ kho, hai Ni sư Linh Chiếu cũng có mặt đứng sau lưng. Thầy ăn chầm chậm, mọi thứ chung quanh được giữ cho yên lặng không được hối thúc vội vã. Người già bệnh dễ bị sặc, bị mắc nghẹn, bị ho… mỗi lần như thế đệ tử lo lắng vô cùng. Nếu thầy nhìn ra ngoài thấy có người đứng lấp ló thì sẽ phân tâm, sợ đệ tử con cháu đứng lâu, ăn nửa chừng không đủ lượng. Thị giả toan tính chu đáo, thầy ăn xong phải đưa đi một vòng trong thất, nếu thấy có khách lại không chịu đi, nên dặn người đứng chờ phải ẩn khuất, đừng lố nhố đông nhiều.

Hạnh Nguyên, H. Nhàn, Thuần Kim cũng đến, cùng chờ được đảnh lễ, khi thầy được đưa ra cửa phòng thì mọi người đã nhanh nhẹn tề tựu. Hôm nay có H. Nguyên đại diện chúc Tết, chúng quỳ sát rạt kín ba bên bốn phía, được gặp và được cúi lạy ở gần, vẻ trang nghiêm pha đôi phần cảm động chân thành. Thế là đại chúng Viên Chiếu đã được đảnh lễ đủ hết, một ước ao nhỏ như vậy cũng phải đợi biết bao lâu. Nhớ những năm xưa, mỗi lần mùng hai tết ra Thường Chiếu, cả một rừng y áo vàng tăng ni, Phật tử bao quanh, những gì tốt đẹp nhất trong một năm được thể hiện nơi đây.

Mọi người lần lượt ra về, bên những cội mai vàng in bóng áo lam, thôi thì mừng vui nho nhỏ như thế cũng tạm an ủi tấm lòng. H.Huệ đưa các em huynh trưởng thiếu nhi đảnh lễ Hòa thượng, các em dồn tiền lì xì để cúng dường, H. Như ở Hương Vân về cũng kịp thời. Thăm và đảnh lễ thầy trụ trì Thường Chiếu, mấy hôm nay thầy bị chóng mặt đi đứng phải vịn, bước lừng chừng. Thị giả nói, vì thầy làm việc quá tải. Thầy bảo mấy đứa nhỏ hát cho thầy nghe, rồi khen hay giống như ca sĩ nào đó. Tụi nhỏ về kể lại mặt mày hí hửng, tiếc là không hát cho Hòa thượng nghe. Ờ, không ai nghĩ ra chuyện này, một phần vì sự nghiêm trang cẩn thận trong thất. Có thể hẹn một dịp khác được không? Mình sẽ tính tới chuyện này.

Nhà khách Viên Chiếu năm nay trưng bày đơn giản, có mô hình tổng thể của viện, Truyết và các thiếu nam đã gắn từng cây tăm chuốt nhỏ, mấy em có sáng kiến làm mấy chiếc honda nhỏ dựng bên sân chùa, y như thật. Nơi bàn tô màu, viết chữ thư pháp được các em chiếu cố tận tình, bé nào ghé vào cũng đòi ở chơi, ba mẹ níu mấy cũng cứ dùng dằng. Màn hình chiếu lại sinh hoạt Viên Chiếu, ai muốn xem thì xem, film tự do và tự sáng kiến của mấy cô. Khách đến và đi lớp này lớp nọ, cười nói và chúc nhau. Người lớn chúc bé con mau lớn học giỏi, bé con chúc người lớn khỏe mạnh sống lâu. Những nếp sinh hoạt tốt đẹp như vậy vẫn còn giữ được. Đại gia đình Tấn Phương vào thăm, kể lại hồi xưa xa lắc xa lơ, lúc Tấn Phương  có chiếc xe cải tiến chở vật liệu, chở tro, chở Viên Chiếu đi tắm biển Long Hải. Đi cà rịch cà tang từ bốn giờ khuya đến trưa mới tới, hồi đó chưa có Chơn Chiếu, tắm ở chỗ Tịnh xá Ngọc Hải. Bây giờ là một ông chủ tóc pha sương, các em đã lập gia đình thêm con cháu. Tấn Phương gọi Hòa thượng là bác ruột, mỗi lần vào thăm đầy nhóc một nhà, Hòa thượng phải hỏi đứa này đứa kia tên gì, không sao nhớ hết. Mấy đứa bé vô tư nhìn ông bác của mình, trẻ và già là hai đối cực của đời sống. Rồi một lúc nào đó không cần nhớ hay quên, mọi thứ cứ trôi đi, thản nhiên mà trôi đi. 

Muôn việc nước trôi nước

Trăm năm lòng nhủ lòng.

(Trần Nhân Tông)

Nước đã là một thứ trôi chảy, mà còn có thứ trôi chảy hơn nó. Tâm tình người ta là một thứ ưa lưu giữ, ưa chứa cất. Đem cái trôi chảy mà lưu giữ với vô cùng. Ngày hôm nay đã là như thế rồi, một ngày như chớp bóng, như phim ảnh. Buổi tối đại chúng miễn tụng kinh ngồi thiền để xem film, giải trí ba ngày tết, cười đùa với các nhân vật vừa xuất hiện trên màn.

Ngày mùng 3 (25.01.2012)

Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” nhân gian truyền tụng như vậy. Tất cả các đạo tràng kéo nhau ra thiền viện, rộn ràng từ sáng tới chiều. Thầy Giác Thiên ghé thăm lúc 10g sáng, gặp lúc vắng khách nên ngồi ca hát khí thế bừng bừng, thầy lì xì cho mỗi người một phong bì, trong đó có một câu trích từ Tín Tâm Minh, từ Chứng Đạo Ca. Rất tình cờ cũng đôi lúc phù hợp, thầy lấy câu “Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư…” làm chủ đề giảng cho chúng. Câu này rất hợp với Viên Chiếu, vì lúc nào cũng tròn trịa. Thầy nói như một chai nước đầy, đầy ứ và đậy nút thật chặc, dù lắc cách mấy nước cũng không chao động. Thí dụ này dễ hiểu. Sở dĩ mình bị chao động lung tung và tâm mình không được tròn đầy, vì còn có chỗ cho vọng khởi, có quá nhiều mong muốn tham cầu, vì thiếu nên mới tham cầu, từ đó đụng chỗ nào cũng thấy bị lúc lắc, long đong. Nếu tâm thấy đã đủ, đã vừa rồi, chẳng còn khoảng trống nào cho vọng khởi, thì thật là tròn trịa như hư không. Thiệt hay, đơn giản, thâm trầm. Câu này trong Tín Tâm Minh của tổ Tăng Xán, mình có đọc  mà không dè hôm nay được thầy cho thấy một tin tức mới. Mỗi người đọc câu của mình, thầm nghĩ nếu dễ hiểu thì thôi, khó quá thì đem hỏi thầy. Tri sự Huệ Hân được câu “Mạc tồn thuận nghịch” (chớ chứa trong lòng việc thuận hay nghịch). Đúng quá đi chớ, tri sự là sắp đặt việc, thuận và nghịch theo nhau liên miên. Viên Tín đưa ra câu của mình, hình như có chữ gì có nghĩa là chậm trễ, cả chúng đều cười vì thiệt tình Viên Tín chậm chạp. Tuy nhiên cô giáo Thuần Chánh có khen Viên Tín dịch bài chữ nho rất thấu đáo, có lẽ nhờ chậm rãi suy nghĩ.

Hát cho thầy nghe những bài ngày xưa của thầy “Một ngày không làm là một ngày không ăn…”, thầy cao hứng hát Chứng Đạo Ca, hát bài Tập Tầm Tâm của thiền sư Minh Chánh. Nhớ về những ngày tết cũ xưa, thầy còn làm Tri sự Thường Chiếu, ngày tết vắng vẻ không có một người khách làm thuốc, thầy chở một xe máy cày đầy người vào Viên Chiếu, ca hát vang trong mớ cây rừng. Bây giờ, lâu lâu nghe thầy đi nằm nhà thương, lâu lâu nghe bệnh đi không nổi, vậy mà tỉnh dậy là đi giảng dạy khắp nơi, nói năng rổn rảng không cần micro. Đầu năm Viên Chiếu được một sư huynh trong ban Quản trị vào thăm, các viện kia cũng được thăm như thế, quyền huynh thế phụ.

Buổi chiều thôi khỏi nói, các đạo tràng sẽ đi một vòng, Thường Chiếu trước nhất để thăm Hòa thượng, thẳng đường lên Chân Không, nghe nói trên ấy kẹt xe, có đoàn không lên được. Khi trở về thuận đường thăm Phổ Chiếu, Huệ Chiếu, Viên Chiếu, Trí Đức… Có thêm một điểm mới là chùa Quốc Ân Khải Tường nằm trên trục quốc lộ 51, không xa Thường Chiếu, đang có một pho tượng Phật ngọc rất đẹp, nghe mọi người rủ nhau ghé. Ngôi chùa này nếu hoàn thành sẽ lớn nhất Đông Nam Á, rộng 25 mẫu. Địa điểm Long Thành Bà Rịa sẽ có nhiều nơi hành hương. Bà Ánh ghé, cười nói tía lia “Đầu năm đi chùa te tua”. Hôm nay không dẫn đoàn, đi một mình kể lể mọi nỗi đa sự đa đoan lọt trong tầm nhìn của mình. Kể về những cốc thất của chư Tăng không có hàng rào, những người đẹp phóng xe honda vào thẳng. Kể về những nơi có vị thầy bắt đọc câu “Mô Phật, mỗi người mỗi tật” để nhớ. Cười nghiêng ngả lăn chiên. Phật tử là nguồn thông tin đầy đủ về chùa này chùa nọ, về sinh hoạt của giới tu sĩ bên trong cổng thiền môn. Người ta chỉ vui miệng kể lại, xong rồi không nhớ, nhưng tin tức truyền đi mau hơn lên đài phát thanh. Khen thì cũng cao độ mà chê cũng cao độ. Sở dĩ vì thế Phật dạy giới luật, nghiêm cấm điều này điều kia, đôi lúc là những chi tiết rất nhỏ “Không được há miệng lớn đợi cơm mà ăn, không được quăng cơm vào trong miệng.” vân vân và vân vân. Mình thấy không đáng gì, cho tới một hôm nghe một câu thoáng qua “Tui thấy ông thầy kia bận áo thun”. Té ra người ta để ý dữ vậy! Tu sĩ không thua người mẫu, nhất cử nhất động đều được nghiên cứu.

Bạch Cư Dị, quan Thượng thư bộ Hình ở đời Đường, thấy thiền sư Ô Sào ở trên cây cheo leo bèn hỏi, Sư làm chi ở chỗ nguy hiểm thế? Sư trả lời, chỗ của ông còn nguy hiểm hơn ta. Tôi làm quan trong triều có gì không ổn? Chỗ của ông ngồi trên đầu lưỡi thiên hạ. Trên đường quan chức, Bạch Cư Dị có lần bị đưa ra khỏi triều, về Giang Châu làm Tư mã, xem xét việc quân. Có lần ông tự than “Trong vòng danh lợi thương ta. Cái thân nhăng nhít cho qua với đời”. Đủ biết làm quan không phải ngon ăn, mà làm thiền sư ở trên cây cao vì sợ thiên hạ dòm ngó cũng không phải dễ. Thử coi, mình mà cất chòi ngồi thiền trên cây là hình được đưa lên mạng liền. Thiên hạ sẽ thuê xe ùn ùn kéo đến. Một nhà thơ cảm thán:

Đời tu sĩ con còng già bỏ tổ
Lên non cao còn sợ nước triều dâng.

Thế đấy!

Ngày mùng 4 (26.01.2012)

Mới sáng sớm Hạnh Như gọi điện báo tin “Tiểu Nhân đã chết sáng này, có đại chúng Hương Vân trợ niệm.” Thành thật chia buồn, Tiểu Nhân là tên do Hòa thượng đặt cho. Lúc Hương Vân vừa xây dựng xong (1997) có bác Mười đem cho hai con chó nhỏ trắng như bông gòn ra mắt Hòa thượng, được đặt tên Tiểu Nghĩa (anh), Tiểu Nhân (em). Thành viên đầu tiên của Hương Vân, từ lúc còn để gọn trên bàn tay, mỗi ngày khi Hòa thượng đi dạo được ẵm bồng theo quanh Trúc Lâm. Tiểu Nghĩa lớn lên thích đi chơi xa, lên Nhà khách Trúc Lâm giành ăn với mấy con chó, Tiểu Nhân nhỏ nhẹ ở nhà quanh quẩn bên Hạnh Như, Hạnh Bảo.

Hòa thượng mỗi sáng sớm thường đi kiểm tra khu vực trồng hoa kiểng, vòng quanh hồ thấy nhánh cây khô gãy đưa gậy chỉ liền. Quý Thầy đi theo cầm sẵn kéo bấm, cưa nhỏ lập tức thu gọn sạch sẽ. Bóng áo vàng của Hòa thượng và quý Thầy vừa xuất hiện trên lối vào Hương Vân, Tiểu Nhân đã mừng rỡ chạy quắn lên, sủa gâu gâu, chồm theo Hòa thượng, chào đón phía trước phía sau, đợi Hòa thượng đứng lại vỗ đầu vài cái mới chịu thôi.

Nhắc đến Tiểu Nhân tưởng cũng nên nhắc đến những tiểu cẩu đồng thời, một phen quanh quẩn bên Hòa thượng. Tiểu Hỷ lông quăn từ đầu đến chân, thường leo lên xe trước mỗi khi Hòa thượng đi thăm các viện. Hòa thượng giảng dạy, nó đi quanh bục giảng rồi chui vào bàn nằm suốt thời pháp, không sủa tiếng nào. Khi Hòa thượng rời Thường Chiếu lên Trúc Lâm, Hỷ ta cũng được theo lên thiền viện mới, trời lạnh cho mặc áo bông, tuổi già chết bình yên trong chúng. Sau Tiểu Hỷ là Pha Lê, có quá trình lâu dài hộ vệ bên Hòa thượng, mập to như gấu mắt đỏ tròng vàng. Ngó bộ dạng dễ sợ nhưng hiền queo, đôi khi Hòa thượng chưa đến Hương Vân nhưng thấy nó chạy trước biết là có Thầy, quý Cô kịp thời chuẩn bị. Hòa thượng nhập thất thì nó cũng ở yên dưới thất, thời chưa có thị giả ngủ bên cạnh Hòa thượng, quý Thầy căn cứ vào động tịnh của Pha Lê để ứng phó tình hình. Pha Lê cũng có con mắt biết nói, biết giờ nào Hòa thượng ở đâu lâu hay mau, sắp rời ghế là nó đã đứng dậy đi trước. Một thời Tiểu Mặc, Tiểu Hiền… rất là nhiều chú cẩu canh gác Trúc Lâm. Có một thanh niên tập sự theo chư Tăng, giờ tọa thiền trong nội viện cứng chân, chú ngồi ngoài sau len lén xả thiền, cà nhắc bước ra, một bầy gần chục con chó ùa đến sủa vang. Mất hồn, không muốn động mà đã động, chú lẹ làng rút vào trong thiền đường, ngồi nín thở cho hết giờ.

Buổi trưa một đoàn khách ghé thăm xin ăn trưa và nghe pháp, thông lệ của đoàn Bích Hải. Thầy Huệ đăng tòa giảng cho một bài thơ của cao nhân hiền triết:

Cấp cấp mang mang khổ truy cầu
Hàn hàn noãn noãn độ xuân thu
Triêu triêu mộ mộ doanh gia nghiệp
Muội muội hôn hôn bạch liễu đầu
Thị thị phi phi hà nhật liễu?
Phiền phiền não não kỷ thời hưu?
Minh minh bạch bạch nhất điều lộ
Vạn vạn thiên thiên bất khẳng tu.

Bài thơ nói về sự bôn ba qua một đời, đạo trước mắt mà không chịu tu. Tạm dịch:

Gấp gáp lo toan khổ tìm cầu
Bốn mùa ấm lạnh chợt qua mau
Hôm sớm suốt ngày sầu gia nghiệp
Tối tăm hồn vía bỗng bạc đầu
Phải trái lăng nhăng ngày nào dứt?
Buồn phiền bực bội lúc mô thôi?
Sáng rỡ rõ ràng đường trước mắt
Muôn ngàn lần thấy chẳng chịu tu.

Trong cái bận rộn vội vàng của đời sống, tưởng như không níu giữ được gì ngoài mớ tóc bạc. Heraclite nói “Không ai bước xuống cùng một dòng chảy hai lần được vì dòng nước thường xuyên chảy, nó đã thay đổi. Các vật thể của chúng ta cũng chảy như những dòng sông, chúng luôn đổi mới như nước…” Trường Giang sóng sau xô sóng trước, trong cuộc đời, người sau kế thừa người trước, hoặc là người sau đẩy người trước vội vàng. Cha mẹ mới dắt tay con đi chùa ngày tết, vội lo chăm cho con ăn ngon mặc đẹp, lo con học thành tài, làm việc, nên gia thất, sanh con nối dòng, thúc đẩy như bánh xe lăn không dừng.

Trong cái lướt qua như sóng đó, có thấy được vầng trăng nguyên sơ.

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?

(Bùi Giáng)

Ngày mùng năm tháng Giêng (27.01.2012)

Ngày mùng năm Tết, không ai kiêng cữ đi ra đường. “Mùng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng lỗ lựa là đi buôn”, lời ông bà để lại nay đã hết tác dụng. Người ta đi còn đông nhiều hơn mọi ngày, hình như đi chùa lạy Phật sẽ làm bay đi mọi sự rủi ro. Vả lại mùng năm đi chùa chớ không phải đi chơi hãy đi buôn, không sợ lỗ mà cũng chẳng tính lời. Có những câu chúc rất vui, thí dụ “Chúc cho cô, ai đau thì đau cô đừng đau”’ ý là mong cô mạnh hoài để đi giảng dạy. Bé con thì chúc “Chúc Sư bà mạnh khỏe, cho con học giỏi”, nghĩa là vừa chúc cho mình, vừa chúc cho sư. Chúc phát tài phát lộc là sự thường, chỉ chúc ham học là tốt nhất.

Khách đông, xe đò lớn ghé tấp nập ì ì trước cổng, nhà khách không vội vã lắm vì mọi người chỉ vào lễ Phật rồi ra xe đi luôn, phải đi đủ mười chùa hay mười hai chùa, mỗi nơi ghé dâng một tờ sớ ghi tên cả gia đình, cẩn thận hơn ghi luôn sao hạn của từng người. Chỉ là thói quen tâm lý, nhưng điều đó biểu hiện tình thương yêu, sự quan tâm, nỗi niềm mong muốn cho người lớn trẻ con của nhà mình được tai qua nạn khỏi. Dù rằng cũng có câu “Cầu nguyện không bao giờ thực tế vì giống như đứng bên nay bờ mà mời bờ kia sang với mình”. Đức Phật cũng dạy đạo sĩ thờ lửa Ca Diếp rằng “Tế lễ cầu nguyện cũng như người đứng trên bờ thấy một tảng đá chìm dưới sông, xúm nhau cầu nguyện cho tảng đá nổi lên”. Đức Phật rất thực tế, chỉ dạy con đường tốt đẹp, mọi người phải thực hành điều tốt đẹp, không phải mời gọi hay khẩn cầu. Nhưng nói gì thì nói, đầu năm mới lời nguyện bình an vẫn nghe hay hơn.

Nhân dịp tiếp khách lăng xăng chộn rộn, đọc lại một câu chuyện của Viên Chiếu hồi những năm 90. Giờ thỉnh nguyện, tri khách Đồng Kính tỏ bày tâm sự buồn vì bài thơ vịnh tri khách của thầy Huệ có câu “Mấy cô tri khách chạy như gà”. Buồn để bụng từ mấy ngày Tết, vì thể diện của một bộ phận quan trọng của thiền viện, làm sao mà như gà. Con gà mái chạy tới chạy lui tìm một chỗ có lót rơm, biết là nó muốn gì. Té ra cô tri khách này không nói hết ý, nhưng suy nghĩ dài lâu thấy hỏng được. Hạnh Huệ phân bua nói mình không có ý nói tri khách, ngày hôm đó quý thầy Thường Chiếu vào đông, hình như có công tác mượn đồ đạc gì của Viên Chiếu, cả nhà chạy ra rót nước không kịp nên có vẻ luýnh quýnh. Thôi, bây giờ sửa lại câu thơ là “Tri khách chạy như voi!”

Đoàn Phật tử lễ Phật, chúc Tết và thỉnh dạy cho đôi lời pháp nhủ. Bất ngờ không chuẩn bị, trụ trì chợt nhớ đến hai chữ tinh tấn, nghĩa là siêng năng luôn luôn. Nhớ luôn bốn câu thơ:

Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn

Không gì bằng trí tuệ của đời ta

Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà

Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả.

Tinh tấn không có nghĩa là hì hục cong xương sống cóng xương sườn để làm một việc gì khó khăn trọng đại. Tinh tấn chỉ có nghĩa là chậm rãi chỉ làm một việc, cứ từ từ mà làm không thôi, ngày này qua ngày khác, đều đặn tu tập. Cũng có khi hơi mệt, thí dụ ba ngày Tết lo tiếp khách, lo công chuyện mệt quá thì cho nằm nghỉ, hết mệt tu tiếp, miễn là làm sao không rời mục đích của mình. Đó là gương tinh tấn hành đạo của đức Phật Thích Ca trải qua vô số đời kiếp, đời nào cũng làm một hai việc lợi ích chúng sanh. Trong cuộc đời cũng phải có ăn ngủ, dạo chơi, shopping… chẳng bắt buộc là cứ 12 giờ khuya dậy ngồi thiền mới là tinh tấn.

Đối với Phật tử, tinh tấn cũng có nghĩa là là đối với năm giới cấm của Phật, vừa khởi tâm trộm cắp liền đoạn trừ, vừa muốn nói dối liền dừng lại, vừa muốn uống rượu hay ra quán nhậu chơi liền stop không đi. Nếu tinh tấn được như thế sẽ chóng vượt qua những thói dở xấu của mình, trở nên người hoàn hảo. Tinh tấn là điều kiện tốt nhất, như người chèo thuyền ngược gió, không ngừng nghỉ để được cập bến an toàn.

Buổi chiều đi ngang quá đường, thấy một nhóm Phật tử đang ăn mì gói với bắp cải luộc, cà chua bỏ vào tô. Người nào cũng hoan hỷ không phàn nàn. Chỉ vì tất cả thức ăn buổi trưa đều hết, khách hành hương về tới điểm này đều than đói bụng “Còn gì ăn không cô?” Ban trực đem ra mì gói, bình thủy nước sôi, mỗi người tự túc. Lúc đói ăn gì cũng ngon, nhất là ăn trong chùa. Mình thấy người ta ăn mà cũng muốn ngồi xuống xin một tô.

Ngày mùng sáu (28.01.2012)

Hôm nay thầy Phó, thầy Huệ cùng một ít chúng đi Thốt Nốt, khai pháp đầu năm chùa Vi Phước của Chơn Như. Một số chúng đi Chơn Không, thăm Trí Đức, Chơn Chiếu, Tịch Chiếu, Phổ Chiếu, Huệ Chiếu, vì ngày hôm qua không tìm được xe.

Còn dự  định leo núi Thị Vải, thăm chùa Bửu Lộc, thăm thiền viện của sư Viên Minh. Vùng núi Dinh có rất nhiều cốc thất, tu viện, tịnh xá, dường như vùng này hợp với người tu. Chưa tìm ra được một ngày rảnh để du xuân, chỉ ở nhà đón khách. Chúng đi Trí Đức về khen đẹp mê luôn. Ghé Chơn Chiếu ăn trưa, sư già Liễu đãi bún riêu. Vùng biển này ngoài khu du lịch Thùy Dương còn có suối nước nóng Bình Châu, du lịch Hồ Cốc, du lịch Hồ Tràm… toàn là những nơi nghỉ dưỡng vùng biển rất tốt cho sức khỏe. Dân mình sở hữu một gia tài nắng và gió biển thiên nhiên, đón xe từ Sài Gòn đi khoảng hơn hai tiếng đồng hồ là đã ra đến biển. Tiêu xài xa xỉ hay tiết kiệm bình dân đều được hít thở ngang nhau. Suốt tháng Giêng, mỗi Chủ Nhật đường Vũng Tàu đều kẹt xe, sáng đường ra chiều đường về, nối đuôi nhau honda và xe hơi. Muốn băng qua đường, nhát gan thì đứng đợi, nhìn dòng xe tuôn mà ước chi có một cái dù bay để qua đường.

Ngày mùng tám (30.01.2012)

Chương trình tuần tu từ mùng 8 đến 14. Sáng tọa thiền đến 6g, ăn cơm tự chọn để giữ yên lặng, ai ăn xong trước rửa chén bát nghỉ ngơi, không tụ họp một lần nên không ồn. Quét sân quét nhà rồi 8g ngồi thiền đến 10g, buổi sáng dễ buồn ngủ nên nhà bếp để sẵn cà phê, trà bánh, vừa tu vừa uống trà. Hạnh Huệ ra thăm Thầy, ngồi kế bên khoe “Con tu giỏi lắm, ngày tu hai ba lít”, Thầy gõ đầu một cái, đệ tử mừng ơi là mừng, vì đã làm Thầy vui.

Một tấm bảng đề “Xin giữ im lặng”. Suốt ngày không nghe ồn trong khu vực nhà bếp, nói gì cũng thì thầm. Hạnh Bảo gọi điện thoại, Viên Minh nói rất nhỏ, không la làng như mọi khi. Hạnh Bảo ngạc nhiên sao nói nhỏ vậy? Hôm nay thinh lặng mờ. Cũng ngộ ghê, mới hôm qua khách khứa rần rần, mà hôm nay im vắng từ trước ra sau, thiệt là khỏe gì đâu. Chúng nhà cứ việc tọa thiền, mạnh ai nấy nín, có quy định chung nên không cần hỏi han gì. Công tác cũng nhẹ nhàng nên dù phải nín thinh lâu, ai cũng hoan nghênh.

Phổ Chiếu làm lễ giỗ Sư bà, vừa hoàn thành xong Trai đường và Nhà bếp, khung cảnh trang nghiêm vượt xa Viên Chiếu. Thỉnh mời một trăm chú tiểu La Vân thọ trai, áo vàng nghiêm chỉnh, tụng một thời kinh nơi chánh điện, chú nào cũng gân cổ lên, có khi lái bè hợp xướng qua mặt chủ lễ. Phật tử đứng tụng theo, thấy vậy chỉ cười.

Buổi chiều chỉ có đoàn Phước Hải ghé, đạo tràng của sư già Liễu phần lớn là gia đình có ghe đánh cá. Gặp mùa biển động thì đi chùa đông, trời yên bể lặng thì vắng hoe.  Nguồn sinh kế chính của dân biển là cá, mực,… vậy mà cũng chịu đi chùa nghe pháp, tu Bát quan trai mỗi tháng một lần. Tuy ít oi nhưng giữ được lời Phật dạy không phải dễ. Tính khí chơn chất, rất ít nét thuần lương mềm mỏng. Có lẽ vì thế mà hợp với Trụ trì Chơn Chiếu. Hạnh Liễu ngày còn cư sĩ pháp danh Diệu Hương, một cô y tá bệnh viện dịu dàng áo dài, áo blouse đằm thắm. Buổi đầu Viên Chiếu hay đau ốm, sốt rét, đau bụng, ho hen mổ xẻ gì đều gởi vào nhờ tay Hạnh Liễu. Có khi Thuần Ẩn bị đau bụng tiêu chảy, chúng bắt kiêng cữ đến xanh xao. Đưa vào Hạnh Liễu mua cho cây cà rem biểu ăn, làm nước đá chanh hai ba ly uống trừ cơm, vài ba ngày hồng hào trả về. Trị bệnh rất mạnh tay, xài toàn thuốc xịn, nếu người khác không ai dám cho uống.

Khi xuất gia, Thầy đặt pháp danh Hạnh Liễu, chắc còn nét tha thướt. Ở Viên Chiếu thời gian, không biết ảnh hưởng ra sao mà càng lúc càng giống… tướng cướp. Một cây búa chuyên chém chặt không vị tình, và cũng rất nhiệt huyết trong công việc. Thời gian bị bướu nơi cần cổ, về bệnh viện mổ thì nghe bè bạn bác sĩ y tá nói “Ba năm nữa là chết!” Cũng không ngán gì lắm, thầy bổ xứ về trụ trì vùng biển Long Hải, ngày đi nhập tự chắc là có xe máy cày Tấn Phương – lâu quá không nhớ chi tiết. Sống nhăn tới giờ này hơn mười năm, huynh đệ gặp ai cũng hỏi “Ủa sao chưa chết?” Y chỉ cười, giọng nói bây giờ khào khào, 72 tuổi rồi cũng còn mạnh và nhanh. Mấy đứa trẻ Viên Chiếu xuống công tác, không đứa nào vừa ý. Nan sư nan đệ, ở vùng biển mà làm thầy dân đánh cá thiệt là hợp.

./.