Như Đức
Cửa tu viện mở ra trên đầu con dốc cao, bước xuống là lối đi chập chùng đổ xuôi theo triền núi. Ở phiến đá đầu cổng, thầy tri khách vừa phất tay áo tiễn một người quen, khách chỉ bước xuống một vài bậc đá mòn là đã khuất, trên này chỉ còn lại bầu trời trong xanh và những cơn gió cợt đùa nhau trong vườn cây của tu viện. Thầy chậm rãi trở vào, màu áo vàng bay phất phới dưới những tàn cây màu lục đậm, như một cánh đại bàng vũ lộng. Sau lưng thầy, ba chữ ”Tống khách đầu” khắc bên bảng gỗ dựng bên lối đi, nổi bật màu nâu đỏ.
Chàng trẻ tuổi mới leo lên được lưng chừng con đường, ngóng cổ nhìn lên chỉ thấy đầu ngọn lá thướt tha của hàng khuynh diệp, không tăm dạng nhà cửa lẫn bóng người. Chàng hơi ngần ngừ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp, lột giày vớ, xoa bóp chân cẳng. Nhìn tới ngó lui chỉ có chàng là người leo núi độc nhất sáng nay, con đường phía dưới ngoằn ngoèo xa tít, gần bên bầy chim sẻ lao chao rỉa cánh và ngó nghiêng chàng không chút gì sợ hãi. Hồi lâu mới thấy một chú tiểu vác bó củi đi lên, tới chỗ chàng ngồi chú cười làm quen và quăng bó củi xuống gần đó, chú cũng ngồi nghỉ chân để lau bớt mồ hôi đang nhỏ giọt trên khắp mặt mũi.
Đợi chú thở lại bình thường, chàng mở đầu câu hỏi:
– Tu viện còn xa không chú?
– Lên hết cái dốc này, ngay trên đầu của tôi với anh.
Vừa nói chú vừa ra dấu chỉ lên trên. Chàng mừng rỡ:
– Vậy mà tôi tưởng còn xa, tính trở lui thì gặp chú.
– Anh mới đi lần đầu?
– Tôi sinh hoạt với bạn bè ở xóm chài lưới dưới kia, nghe nói trên núi này có tu viện rất đẹp và có Hòa thượng đắc đạo nên muốn đến viếng thăm cho biết.
Chú tiểu cười hồn nhiên:
– Tu viện cũng chẳng có kỳ hoa dị thảo, lại ở tuốt trên cao nên thiên hạ leo lên đến nơi đã mệt bở hơi tai, gặp được chỗ nghỉ chân mừng khen rối rít. Nếu chê thì hóa ra uổng công mình đi xa, trèo cao, mà lại mang tiếng ngu ngốc, bỏ hết công lao để đến một chỗ không ra gì. Phải khen đẹp để tự thưởng mình, người này đồn người kia thành tiếng.
Lối nói chuyện của chú khiến chàng bật cười thích thú, chàng hỏi tiếp:
– Còn về Hòa thượng đắc đạo thì sao?
– Cái đó phải gặp Hòa thượng mới biết. Có khi đối với người này ổng là Hòa thượng đắc đạo, mà đối với người khác ổng chỉ là một ông già lẩm cẩm.
Chàng tuổi trẻ tán đồng bằng nhiều cái gật đầu lý thú:
– Chú nói có lý, tôi phải bỏ ý định có một cái tu viện đẹp và Hòa thượng đắc đạo thì mới đến nơi với một cái tâm bình thường.
– Anh thật thông minh, xứng đáng là thiền khách hôm nay. Thôi ta đi.
Cả hai cùng cười vui vẻ, chú tiểu vác bó củi lên vai bước thoăn thoắt lên con dốc quen thuộc còn chàng phải xắn ống quần loa và xách đôi giày, mới theo kịp chú.
Qua khỏi cổng tu viện, thấy tấm bảng với ba chữ ”Tống khách đầu” như đứng sẵn sàng chào đón, chàng đột nhiên thắc mắc:
– Tôi nghe nói cửa chùa luôn luôn hiếu khách, tại sao vừa mới bước vào cổng lại dựng tấm bảng này, như muốn tống khách trở ra vậy chú?
– Ba chữ đó chỉ có nghĩa là Đầu đường tiễn khách, tiễn xong là không còn lưu luyến. Còn khách bước vào chốn này, cũng nên rũ bỏ bớt những khách trần của mình. Mang theo nhiều sẽ không còn thấy đâu là tu viện, đâu là nhà sư.
Chàng trẻ tuổi im lặng sau câu giải thích của chú tiểu, nét tươi cười biến mất, một chút gì buồn bã thoáng hiện. Họ đã đi mất hút vào trong, bên cổng cũng chỉ còn ba chữ ”Tống khách đầu”.
Buổi trưa ở đây thật yên tĩnh, phía sau tu viện là lưng núi xanh cuồn cuộn mây trắng, gió thổi bềnh bồng xạc xào trên mái ngói, vài tiếng chim lích chích rơi nhẹ giữa khoảng không. Chàng ngồi tựa lưng vào cây cột gỗ tròn bóng mượt của thiền đường, lòng tự thầm hỏi không biết giờ này Thu đang làm gì, nắng trưa chỗ nàng có chói chang đủ để nhớ đến kỷ niệm của hai người. Chàng thăm dò trong tận cùng sâu thẳm, những thương nhớ mong manh đang kéo đến. Trong những lúc này, người ta thường để chúng tự do thao túng. Lẽ dĩ nhiên chàng tuổi trẻ cũng đang có một nỗi niềm bất ổn, một cơn sầu tình ray rứt nên mới tìm đến buổi trưa vắng của tu viện.
Trước đó hoạt động của chàng luôn luôn sôi nổi trong phố thị, bạn bè vây quanh ca hát vui chơi, lượn xe vi vút qua những đường phố đầy tràn âm thanh màu sắc. Đôi lúc bắt gặp một vài nhà tu thoáng qua, chàng nghĩ đó là những người của một thế giới chết, thế giới không tình yêu, đâu có dính dáng gì đến mình. Có một lần sau chuyến công tác xa, chàng đón nhằm một chuyến xe đò đông khách, vai phải mang cồng kềnh những dụng cụ, giấy tờ, lại phải chen lấn giữa những người khách lạ của tứ xứ. Chàng tìm cách để gởi bớt những túi xách trên vai, ngó dáo dác chẳng biết tin cậy vào người nào, chàng chợt thấy một ông thầy ngồi trầm tĩnh gần đó, và không cần suy nghĩ cân nhắc, chàng gởi ngay ông ta cái túi nặng nhọc. Được gỡ bớt sức nặng chàng mới lấy lại tư thế đứng vững vàng giữa những luồng người ép qua, đẩy lại. Đó là lần đầu tiên chàng tin cậy một người lạ trong tâm trạng thơ thới và yên ổn. Nhưng rồi những bận rộn sau đó khiến chàng quên nhanh câu chuyện trên xe.
Tại sao hôm nay chàng lại lên tới tu viện ở đầu núi cao này? Có phải chàng cần một nơi xa lạ nhưng bình an để có thể tự do bộc lộ hết những phiền muộn của mình? Có phải chàng vừa chớm có ý định rời bỏ bạn bè và nếp sống quen thuộc để tránh khơi sâu vết thương? Hay chàng muốn được ngồi yên để tìm lại chính mình mà trong suốt cuộc sống náo nhiệt của tuổi trẻ, chàng không nhìn ra được? Cái cớ lên thăm tu viện nổi tiếng và vị Hòa thượng đắc đạo chỉ là một cách để nói với lũ bạn đang lao nhao tập dợt đờn ca. Trong suốt con đường đưa lên đây, chàng cảm thấy có một cái gì không thỏa đáng, mặc dầu chân vẫn bước tới nhưng đâu là lý do chính?
Càng không thỏa đáng hơn khi trưa nay, ngồi trong bầu không khí tĩnh lặng của chốn thiền môn, chàng lại không có được một ý niệm mộ đạo hay tham hỏi về Phật pháp, mà chỉ thấy nhớ với buồn. Hình ảnh người tình và cuộc chia tan đã khiến chàng đứng sựng lại trong nhịp sinh hoạt, chàng bị ngộp trong đám đông và chỉ thích ngồi yên một mình để suy tư. Hồi đó trong những lần đi chơi, Thu cũng thường ngồi bên chàng trong những buổi trưa ở khu vườn nào xa xôi hay một vùng quê êm ả. Nàng hát nho nhỏ một khúc ca quen thuộc, cho đến nỗi ngồi ở đâu chàng cũng có thể nghe mường tượng văng vẳng: ”… Đời xin có nhau dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu. Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…” những sợi tóc của nàng bay trong suốt như những sợi hạnh phúc đang dệt quanh đây. Vậy mà chuyện tình của chàng, ước mơ chung đôi chung bóng, gọi tên tới răng long đầu bạc đã có lúc tan vỡ như những giọt nắng rơi trên tàn cây, khi gió thổi chao động bỗng rớt tuốt luốt.
Sau bữa cháo chiều, chàng theo Thầy tri khách đi dạo trong vườn, lối đi rải rác những phiến đá ngồi sạch bóng, tu viện đang thu lại những hoạt động trong ngày nên ai cũng có vẻ yên nghỉ. Câu chuyện của họ lẫn dưới những tàn cây khi gần khi xa. Hình như chàng đã tâm sự với thầy về mối tình sương khói. Thầy tri khách mỉm cười với tất cả vẻ thông cảm, chắc thầy đã từng quen tiếp các chàng khách trẻ tuổi. Chàng kết luận:
– Hạnh phúc thật gần gũi và hoàn toàn như ý nếu tôi không xa Thu. Người ta chỉ cần bao nhiêu đó, như một giọt mưa đủ làm mát cả bầu trời. Đâu cần phải tìm kiếm xa xôi cực nhọc như Thầy.
– Hạnh phúc của anh bị lệ thuộc rất nhiều, thời gian, nhân vật, tình yêu và cả hoàn cảnh chung quanh. Ngay cả anh là người đang hưởng hạnh phúc cũng không chắc chắn. Nếu lỡ như anh chết thì ai hưởng hạnh phúc đó?
– Thầy nói chi những chuyện cao vời, phần đông không ai nghĩ ngợi xa xôi, cứ nắm ngay những thứ mình hiện có. Nhưng tôi vừa chợt khám phá ra rằng thế giới của Thầy thật bình an không có khổ sở ray rứt như thường tình, và chắc là cũng không có hạnh phúc nồng nhiệt.
Thầy cười nhẹ trước sự sôi nổi chủ quan của người khách trẻ. Làm sao giải thích cho chàng biết hết những vui buồn của một ông thầy. Chú nhỏ tưởng rằng chỉ có thất tình mới làm người ta đau khổ, trên đời chỉ có vấn đề đó là quan trọng và chỉ có chú độc quyền về đau khổ và hạnh phúc. Có một thế giới thoát ngoài quan niệm của chú nhưng cũng rất gần gũi, bằng cớ là chú có thể tìm tới và tỏ hết nỗi niềm. Thầy hỏi:
– Bây giờ anh cũng đang nhớ đến Thu?
Chàng đáp với giọng thật trầm:
– Phải.
– Người ta ít khi nào nhớ mình. Họ luôn luôn chứa chất đầy ắp kỷ niệm, hình ảnh của người khác, cảnh khác. Thật là hao phí khi anh chỉ sử dụng có phân nửa con người của mình trong cuộc sống.
– Thầy nói như một ông Thánh, còn tôi không biết làm cách nào khác hơn.
Câu nói của chàng thật tội nghiệp. Bóng tối đã phủ đầy, họ đến ngồi im trên một bậc đá. Trên chánh điện đang có một thời kinh. Những tiếng sắc không vang dội nhịp nhàng cả một vùng rừng núi. Hình như mỗi thân cây cổ thụ, tầng nhánh lá đen mờ, mỗi gộp lá, mỗi bụi cỏ hoa đều góp chung lời tụng Bản hòa âm bất phân người và cảnh, trời đất cùng bay rền âm thanh:
”… Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế…
… Trong không chẳng có màu sắc, âm thanh, mùi hương… ; …chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi…
… Chẳng có già chết… Chẳng có đau khổ… Chẳng có tu tập….Chẳng có chứng đắc…”
Sau một hồi phủ định quyết liệt như thế, tưởng như mọi thứ trên đời, mọi giá trị đều bị xô dẹp đến tận cùng. Bài kinh chuyển sang lời ca ngợi thành tựu:
”… Các vị Bồ tát không còn e ngại, không còn sợ hãi, xa lìa tất cả điên đảo mộng tưởng, đạt đến Niết bàn rốt ráo… Chư Phật trong ba đời đắc đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác…”
Bài kinh được lập đi lập lại ba lần, như một lời nhắn gởi vô cùng tha thiết. Trong dòng thác chấn động lời kinh, nhịp mõ, chàng lại cảm nghe một nỗi im lặng tận cùng, như một nốt Silence chợt vang lên trong bản hòa tấu. Mỗi lần cùng bạn bè chơi nhạc, tất cả tay đàn đều ngừng lại ngang dấu hiệu Silence nhưng tất cả đều cảm thấy như có một sợi tơ rung động thật trầm lắng đang ngân lên không có cung bậc nào so sánh được. Trong bài kinh tối nay, chàng lại nghe rõ ràng dấu hiệu im lặng ấy, bất chợt mà nghe trong khi ngồi dưới bầu trời đầy sao lấp lánh – Im lặng vì không còn cách nào để diễn tả hay hơn, không còn lời để nói trong chốn không tuyệt cùng. Và nên im lặng trước tính cách vi diệu nhiệm mầu của bài kinh cứu khổ, để tự nó thấm sâu trong bình an.
Hồi nhỏ, mỗi lần trong lớp chuyện trò ồn ào, cô giáo đưa ngón tay lên ra hiệu Silence, lập tức mọi tiếng rì rầm của lũ học trò đều ngưng bặt. Ở đây cũng có giọng Silence oai nghiêm ấy, những dao động bâng khuâng, những ngôn ngữ và tâm sự niềm vui nỗi buồn đột nhiên bị cắt đứt. Chàng mơ hồ nghe lại giọng cô giáo ngày xưa. Hãy im! Hãy thôi! Chàng tự nói thầm với mình như vậy.
Khi thời kinh chấm dứt, các thầy rũ áo sương khuya trở về thiền phòng. Chàng nhìn theo từng bóng một cho tới người cuối cùng, như trên sân khấu sắp đến hồi kết cuộc. Thầy tri khách ngồi cạnh chàng cũng không nói thêm một lời. Cả chàng, thầy và tu viện như đồng thời tan biến trong đêm sâu.
./.