Như Đức
Viên Chiếu ăn cái Tết nầy nữa là thứ hai mươi hai. Hãy nhớ lại cái Tết đầu tiên của nó. Đêm trong rừng, không nấu bánh, không mai đào, chỉ có một cành dấm, thứ cây mọc trong rừng, lá chua như dấm, có trái hay bông màu đỏ tròn, được dân nhà nghèo chặt về chưng Tết. Ngồi với nhau chung quanh đống lửa trại, tưởng như mình đang ở vào thời hoang sơ nào đó, ca hát mặc tình, ai thức không nổi có thể nằm trên gác, thò đầu qua cửa sổ vui hùn. Ngày mùng một, tiếng chim rộn ràng mừng tuổi, cũng không cần để ý là mình 29 hay 30. Một bầy dẫn nhau ra Thường Chiếu. Thường Chiếu còn những vạt cỏ tranh, ngọn gió đông thổi héo tàn bông cỏ dại, một ngôi chùa tôn vách đất với mấy đứa trẻ con đi ra, đi vô. Thanh bình vô số kể.
Sáng nay, 28 tháng Chạp năm Bính Tý, mấy đại diện các Chiếu cùng với thầy Trụ Trì Thường Chiếu đi Chơn Không. Hình như thầy cũng nhắc về một thời bình an, một thời Tết không nhiều việc của ngày xưa. Con đường qua Bát Nhã bị cây rừng phủ lối, tôi và Giải Thiện đứng nhìn, mong tìm lại được một vài nét quen thuộc. Nhớ gì về một thời. Tâm thức nửa muốn lên tiếng, nửa muốn trả lại hư vô. Về Viên Chiếu gần 12 giờ trưa, phải thuê một chiếc Honda đưa vào, trên con đường mà chúng tôi đã từng đi bộ mòn gót, bây giờ …
Hạnh Huệ báo tin có nhóm quay phim ”Bụi Hồng” ghé thăm. À, chúng tôi vẫn thường theo dõi tin tức của bộ phim nầy. Chỉ vì các nữ diễn viên đóng vai Sư Bà, Sư Cô, tiểu điệu… đã ra ở Viên Chiếu một tuần để thực tập làm ni cô. Dân Viên Chiếu không e ngại gì mà không bày mánh lới nhà tu, từ cách quét sân, gánh nước đến cúng quá đường, cách bắt ấn trên chén xuất sanh…. Đoàn làm phim còn đề nghị rủ một vài cô đóng phim, làm bối cảnh… Nhưng nhà tu thiệt trước camera rất chết bộ, rất dở. Chỉ có diễn viên đóng vai nhà tu mới đạt. Dân Viên Chiếu rất muốn được xem Phương Dung như thế nào, nghe các báo có khen ngợi, nhưng mấy ông ấy nói:
– Chỉ có một cách là tụi tui chở hết mấy cô về hãng phim rồi chiếu cho coi, chứ phim chưa in ra băng video.
Cái duyên văn nghệ của Viên Chiếu rất mạnh, may là tu theo pháp môn của thầy, vọng tưởng lên liền đuổi như đuổi tà, ngồi thiền rị mọ lo sáng tâm, sáng tánh. Nếu thả lỏng chắc không toàn tánh mạng. Như hôm cô Kim Cương ghé thăm, cả đám chạy theo phỏng vấn, nào Lá Sầu Riêng, nào Phụng Nghi Đình … Nhắc tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, liền nhớ luôn hai câu hát:
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu ……..
Thiệt là cõi trần gian ”mưa bay gió cuốn”. Chỉ cần nhắc tới quá khứ là sương khói mịt mùng, hình ảnh ngày xưa tràn ngập cả hai tăng đường.
Chiều 28, tháng nầy là tháng thiếu nên coi như ngày mai là 30 Tết. Dù năm nay rất lận đận nhưng Viên Chiếu vẫn ăn Tết lớn. Danh sách canh bánh tét kéo dài trên bảng công tác đến 10 giờ 30 tối với lời nhắn của Tri Sự ”Xin đại chúng cùng phụ vớt bánh”. Bánh ít nhưn dừa, nhưn đậu, kẹo chuối có nước cốt dừa, bánh phục linh được gõ từ mấy hôm trước, mứt gừng … Thuần Hậu ra sức chìu theo đòi hỏi của mấy Viên ưa ngọt.
Hai chú thợ điện lịch sự đã tặng cho Viên Chiếu một cái đồng hồ có bóng đèn ngủ. Sau gần một tháng kéo dây, chôn cột, gắn bóng đèn, cầu dao, công tắc, Viên Chiếu đã bước vào thế kỷ ánh sáng, bỏ qua thời đèn dầu lù mù. Thiệt ra, tại vì thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai … đào đại, chứ khoản điện nầy rất cháy túi. Nhưng tất cả các viện đều sáng trưng, đều có điện thoại liên lạc, mình để thua cũng ức. Được lợi thêm mấy cái máy bơm nước không còn ì ạch hành hạ. Máy mô-tơ chạy êm ru bà rù, chuyên viên bảo trì phải đổi từ nghề máy nổ sang máy điện. Dù sao tiếng máy bơm nước đều đều vẫn là điệu nhạc ru của Viên Chiếu hơn mười năm. Tôi nhớ là vào năm 1985 hay trước đó một năm, Viên Chiếu bắt đầu có máy bơm, dân Viên Chiếu cầu cứu quý thầy từ Tòng Lâm đến Thường Chiếu, mỗi khi máy trục trặc. Bây giờ không biết có nên ra thông báo chiêu … đệ tử: ”Cần một người giỏi nghề thợ điện.”
Ban báo chí đóng đô ở chòi rẫy, mắc gì năm nay cây bông giấy trước chòi nở một cách huy hoàng lộng lẫy. Máy đánh chữ bằng điện mượn của Hạnh Nguyên, máy vi tính mượn của nhà Thuần Dược, nếu mượn được máy in hay máy photo cũng dám rước về. Thuần Chánh, Thuần Tuệ là hai tên bày đầu chuyện làm báo Tết, từ cái năm con cọp. Hạnh Đạt đã nhắc tôi:
– Năm nay báo Viên Chiếu đủ 12 con giáp. Nhưng không có mặt của Thuần Chánh ở ngoài, không khí lúc đầu hơi nguợi. Phần lo bịnh, phần hao tài tốn của quá nên ban lãnh đạo cứ … giả đò ngó lơ. Nhưng đã nói rồi, ở Viên Chiếu không lơ là cái gì được. Mọi sự cứ thúc đẩy, kéo nhau chạy như đèn kéo quân. Mạnh ai nấy làm, Tri Sự lo làm lại con đường, ban tri viên đào gừng bán lấy tiền mua moteur, ban rẫy bắt dây tưới, tiêu, dừa … Không ai ở không trong cái chùa nầy. Cả mấy lão mẫu cũng bị bắt sâu ngồi lặt rau cho trị nhật. Viên Thanh mổ ruột dư về, nghỉ được vài bữa, lại ra vừa nằm võng vừa lột đậu phọng cho tri khố… Được làm việc và có việc để làm là điều vui của dân Viên Chiếu nên rồi khi Thuần Bạch, Như Đoan gõ máy chữ lóc bóc, bài vỡ bắt đầu lên khuôn, Hạnh Đạt trang trí báo, mấy Viên tranh thủ đọc bài ké để có hứng viết … Tờ báo năm nay vẫn đều đặn, tròn trịa như Đồng Kính.
Năm giờ chiều, Bạch Mai chạy ra, chó sủa rân, Huệ Ẩn nói:
– Nhà mình chỉ có mấy con cẩu là mừng Bạch Mai.
Chúng tôi đang ngồi tại bàn ăn, bèn rủ:
– Ăn gì chưa? Ngồi ăn luôn!
– Ăn chớ, nhịn đói từ hồi sáng đến giờ.
Có dĩa bánh bột lọc của chú Phú, dĩa bánh ít mới hấp còn nóng, cơm cháo … Huệ Ẩn xăng xái bưng bún, nước lèo còn dư, rồi hỏi:
– Bạch Mai ăn rau sống không?
– Cô có rau chết, cho em!
Tưởng đâu chỉ có mình Viên Chiếu than mệt, Bạch Mai cũng than hùn:
– Em thức tới 2 giờ khuya, làm cho xong cuốn Video thầy đi Úc.
A, tối nay nhà chú Năm Phước hứa cho mượn tivi, đầu máy. Mình sẽ được xem phim Thầy trước Thường Chiếu. Thường Chiếu đến mùng 3, Nhân Tín mới đem ra. Bạch Mai còn khoe:
– Băng của em là F2.
Chương trình buổi tối sẽ không tổ chức văn nghệ để xem phim. Nói nhỏ; có mấy cuốn video A Xà Thế, Tế Điên … đang chờ. Và rốt cuộc dân Viên Chiếu tắt đèn, đi ngủ sớm. Tại sao? Thôi đợi sáng 29.
Bạch Mai xách máy quay ra lò bánh tét, la lên:
– Chụm lửa vô, sư bác … Sư bác ngồi canh lửa, em quay.
Giọng Viên Hảo:
– Có đòn bánh tét nhỏ, vớt lên cho vô phim.
Kết thúc, Hạnh Huệ trao hộp tiền cho Giải Thiện, sau khi đếm đếm, ghi ghi, dặn dò:
– Sư xài vừa chừng nghe. Đừng có ai xin gì cũng đưa. Phải hỏi cô Trụ Trì.
Giải Thiện cứ một mực ừ ừ, gật gật, ôm hết về đơn. Chẳng là ngày mai Thủ Bổn vô thất. Ngày thầy vô Viên Chiếu, Hạnh Huệ quỳ thưa:
– Thưa thầy, con xin phép vô thất.
Thầy:
– Ừ, nhập thất cho tỉnh táo.
Lúc đó, cả chúng cười ngạo quá nên chẳng nghĩ gì. Tới chừng thầy về rồi, nhớ lại lời thầy, giật mình ”té ra lâu nay thầy thấy mình không được tỉnh cho lắm.” Tôi cũng nhớ mình, thưa với thầy một câu mà nghĩ lại thấy thiệt ngu. Chắc là tại lâu quá không nhập thất. Nhưng sao Giải Thiện nhập thất gần ba năm, ra rồi cũng không thấy tỉnh lắm, nói năng lạng quạng quá trời. Nè, năm tới là năm Sư xuất chiêu đó nghen.
./.