Như Đức
( Trích Tuần Báo Giác Ngộ số 102)
Tôi có tự hứa sẽ viết bài để mừng tuổi Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh 300 năm. Những lần đi về thành phố định tìm một vài cảm hứng, vào mùa nắng, nóng quá, tàn cây xanh chỉ đủ che mát một khoảng nào đó, chưa kịp nhập đề. Vào mùa mưa, đường phố bỗng dưng thành con suối, văn chương cũng trôi luôn. Sài Gòn không có gì thơ mộng để khi rời nó, người ta còn một chút gì lưu luyến như Đà Lạt, như Huế, như Hà Nội; chỉ thấy khỏe ra khi xe bắt đầu tách bến. Vậy mà khi ở xa, mỗi lần thấy chiếc xe đò có chú lơ thò đầu ra ngoài cửa la lớn ”… Gòn hông ? … Gòn hông ?”, tôi lại có cảm giác muốn bước lên xe.
Tôi không phải chính gốc người Sài Gòn. Ông ngoại tôi là ông đồ xứ Quảng. Nhằm thời ”ông nghè ông cống cũng nằm co”, những chàng thư sinh lỡ vận như ông không thể cấy tứ thư, ngũ kinh xuống ruộng, cũng không thể làm thợ… nên phải làm thầy đồ nho lưu động. Nghe người quen giới thiệu, ông vào Sài Gòn tìm được chỗ dạy học ở nhà mấy ông hương chức. Đó là vào thập niên thứ hai của thế kỷ này. Sài Gòn đất rộng làm ăn dễ dàng, ông nhắn bà ngoại tôi vô luôn. Đi bằng ghe bầu, má tôi còn nhớ tên ông chủ ghe là ông Lữ, người cùng quê. Má tôi kể, khi ghe ra biển, người lớn say sóng nằm mẹp; chỉ có con nít như má tôi và mấy đứa con ông Lữ ôm nhau lăn tròn trên sàn ghe, cười đùa thỏa thích.
Thàng phố có vẻ hào hiệp dưới mắt hai má con. Bà ngoại tôi ở tại một tiệm may, ban đầu lãnh quần áo để luông, đơm nút, sau học may. Má tôi còn nhỏ, mấy cô thợ hay sai đi mua đồ lặt vặt. Có tiệm bán trái cây của người tàu gần đó, má tôi hỏi mua một trái xá lỵ, chủ nhà nói ”bốn tiền”, má tôi nghe người lớn hay trả giá nên cũng bắt chước trả giá ”bốn tiền rưỡi đi!”, đưa một cắc bạc chủ tiệm thối lại một xu – theo cách tính của người Sài Gòn thơí đó, một tiền bằng hai xu, bốn tiền rưỡi tức chín xu . Về nhà kể, cô thợ phải dẫn tới tiệm đòi thêm một xu nữa. Cuối thế kỷ này mà nghe nói chuyện đồng xu thiệt là thấy xa xưa. Má tôi còn kể, mỗi sáng bà ngoại cho một đồng xu. Tại tiệm ăn, đồng xu được tô cháo, tuy nói cháo trắng nhưng họ nêm nấu rất ngon, ăn no. Hai xu thì được tô mì hay hủ tiếu. Má tôi cũng ra ngoài tiệm ngồi ăn đàng hoàng, bên cạnh mấy thầy làm việc nhà nước. Có thầy đó mỗi sáng điểm tâm thấy má tôi ăn một xu cháo, bèn kêu cho ăn bánh bao… Thầy nói: ”Muốn ăn gì thì ăn, no thôi”. Má tôi để dành lại đồng xu của mình, không nói cho bà ngoại biết.
Bà ngoại tôi thích đồ nữ trang. Làm có tiền bà sắm cho má tôi đôi bông tai vàng. Má tôi đi qua Nhà Bè thăm ông ngoại đang dạy học bên đó, bà ngoại gởi cho chú xe kéo nhờ cho ra bến đò . Đi giữa chừng có một cô lạ hoắc lên xe, nói là ”dì của con nhỏ này, má nó nhờ dẫn nó đi”. Ngồi một hồi, cổ mân mê chiếc bông tai của má tôi, nói ”con nhỏ này ở dơ, để dì lột ra chuí cho sáng”. Má tôi lật đật bụm lỗ tai không cho lột, vừa dằng co với cổ vừa la: ”Tui không có dì, dì tui ở ngoài xứ”. Nghe chộn rộn chú kéo xe quay lại, đuổi cô người lạ đó xuống. Gặp ông ngoại, má tôi kể, ông rầy:
– Má mầy bày đặt, con nít mà cho đeo vàng có ngày chúng giựt sứt lỗ tai.
Ông cũng cấm không cho má tôi di một mình. Tới đó chấm dứt chuyện phiêu lưu trên đường phố Sài Gòn của má tôi.
Bà ngoại về Cần thơ mở tiệm may nhờ sự giúp đỡ của một bà Hội đồng, bà cho một căn nhà ở chợ, cho tủ bàn, sắm máy may…, và giới thiệu người quen đến may tại tiệm của ”cô thợ Huế”. Các bà có vẻ thích sự khéo léo nhẹ nhàng của cô thợ người miền ngoài.
Chẳng thơm cũng thể hoa lài
Chẳng xinh cũng thể là người Tràng An
Tràng An là kinh đô cũ, sự tử tế đặc biệt và cảm tình nồng hậu đó có thể biểu lộ một phần tiềm thức của những người đã định cư trước, có chút gì lưu luyến hoài vọng về một miền đất cũ, một quê hương kinh kỳ đã xa. Má tôi bắt đầu đi học, hồi đó học trò lớp chót cũng đã tập nghe tiếng Pháp. Thầy giáo vào lớp bảo:
– Lơ vê vu !(Leves – vous!)
Học trò đứng dậy một lượt, khoanh tay nói:
– Nu nu lơ vông. (Nous nous levons)
Giọng nói của má tôi khác với tụi học trò , bị chọc ghẹo là ”con nhỏ cọc cạch”, ”con cá rô cây”. Má tôi mét với ông ngoại, ông giải thích: ”Con cá rô cây là ý nghĩa thanh bần tự trọng của học trò nghèo. Hôí xưa có anh học trò nghèo đi thi, tới bữa ăn bạn bè dọn ra món này món nọ, anh cũng mang ra một con cá dầm nước mắm. Con cá đục đẽo khéo lắm, ngó xa y như cá thiệt, không ai biết. Không phải anh muốn giấu cái nghèo, anh chỉ sợ bạn bè bận tâm thương hại nếu mình ăn cơm không…”. Cách giải thích của ông ngoại, không biết má tôi có hiểu hết ý. Ông vẫn giữ nguyên chất kẻ sĩ, dù thời Khổng Mạnh đã qua. Ông nghiên cứu sách thuốc, mỗi khi ngồi bắt mạch lại giảng tỉ mỉ về ngũ hành tương sinh tương khắc cho con bệnh không biết một chữ, ông vẫn ghiền có cơ hội để nói về những cái ”tàng hung trung”. Chữ nho nằm trong mấy bộ kinh ở chùa, ông lui tới với các vị trụ trì, tập đọc kinh, dịch kinh, nghiền ngẫm triết lý nhà Phật qua thứ chữ so trường của ông. Trong đời sống, ông không hội nhập mau lẹ với miền đất mới như bà ngoại và má tôi.
Má tôi còn nhiều kỷ niệm với Sài Gòn. Trường nữ công Mỹ Ngọc ở gần chợ Cầu Muối có thể là trường nữ công sớm nhất của Sài Gòn, mở trước năm 1945. Các cô tiểu thư ở khắp Nam Kỳ Lục tỉnh được cha mẹ gởi lên ở nội trú tại trường, học từng khóa thêu, đan, móc… làm bánh, nuôi con… má tôi dạy khoa móc, được gọi là ”cô Tư Tourane”, và như thế có các cô Ba Mỹ tho, cô Năm Long Xuyên, cô Ba Lèọ mỗi cái tên đóng góp địa danh vào cái đất Sài Gòn hải hồ tứ xứ. Trong trường cũng có một cô Ấn Độ cũng học nữ công, má tôi kể ”nó chở tới trường mấy rương quần áo, mỗi bộ đều có đồ trang sức riêng, áo viền vàng thắt lưng bằng vàng, áo viền bạc thắt lưng bằng bạc nhận ngọc lấp lánh”. Học trò ở trường thường rư nhau đi chụp hình, mấy cô Việt nam mặc sari ôm bóp đầm, cô Ấn Độ mặc áo dài ”lemur” đứng gần nhau xum xê một thuở.
Thời của má tôi, chỉ có khu vực chợ Bến Thành và một vài con đường chính quanh nó là có vẻ đô thị, vùng Chợ Lớn, Phú Nhuận… vẫn còn đồng ruộng, kinh rạch đất sình. Cho đến thời của tôi, vùng Hốc Môn, Gò Vấp được coi là ngoại ô thưa thớt, xe ngựa vẫn lóc cóc chở hàng chở người từ các vùng xa đổ về các chợ lớn, vó ngựa chậm rãi đều đặn bình tĩnh bên dòng xe có động cơ. Và vào lúc này, Sài Gòn đã bước gần hết trăm năm thứ ba, quét một bán kính rộng bao trùm những khu vực trước kia là ngoại thành. Trong vòng chảy nhộn nhịp của nó, người ta lướt qua nhau, xe và xe chen nhau tự tại. Dân Sài Gòn mặc nhiên chấp nhận tính cách náo nhiệt vội vã trong cuộc sống. Một chú chạy xe Honda chở tôi, cứ lạng lách vun vút giữa đường. Tôi cằn nhằn:
– Chú chạy gì mà lấn đường dữ vậy ?
– Chạy mà không lấn thì giờ này ở sau đuôi người ta.
Cao hứng chú giảng giải về quy luật đường phố, theo cách của chú:
– Ở Sài gòn mà cô qua được một tức là qua được hai, ba chục mạng.
Tôi chưa kịp hỏi, chú rồ ga vượt qua một chiếc xe buýt rồi tiếp:
– Nói hai, ba chục là giá bèo, có khi vượt qua bốn, năm chục người luôn. Đó, cô thấy cái xe buýt hông ? Hổng hơn năm chục người trong đó tui thua.
Trong cái ồn ào và rất vội, thỉnh thoảng toi vẫn bắt gặp một đôi nét thảnh thơi. Sài Go´n có những con đường nhiều cây me to lớn, muá thay lá từng đợt bay điểm lấm tấm, lá me vàng như giấc mộng bay qua. Có con đương mà một thời tất cả học trò đều phải đi tới, để xem tên cưa m ình trên những bảng treo, có người buồn có người vui. Có một góc đường yên tĩnh, hai ba chiếc xích lô gác bên lề, mọt bàn cờ và mấy quân chủ tướng đang vào trận, thời gian coi như không có.
Sài Gòn bây giờ đẹp như cô Tấm đi dự hội.
./.