Thiền Phật Giáo

Viên Thể, Thuần Phong dịch
MỤC LỤC:
  • Thiền Phật Giáo
  • Các loại thiền
  • Sự phổ biến của Thiền Phật Giáo ở Tây phương
  • Mục đích thực tiễn của Thiền Phật Giáo
  • So sánh Thiền Chỉ (Samatha) và Thiền Quán (Vipassana)
  • Thiền có ích kỷ không?
  • Thiền có phải là một sự trốn tránh không?
  • Tu thiền có thành điên không?
  • Phương pháp thiền
  • Những mức độ định khác nhau
  • Những lợi ích cao hơn của Định
  • Thực hành Thiền Quán
  • Định trong Thiền Quán

THIỀN PHẬT GIÁO

Tu tập thiền định theo tiếng Pali là từ “bhavana”, có nghĩa là “phát triển, “tu dưỡng”, hay “trau dồi”. Bởi sự tu tập này liên quan trực tiếp đến tâm, nên từ “bhavana” đặc biệt ám chỉ quá trình mở mang tâm linh hay sự phát triển của tâm. Trên phương diện này từ tương đương trong Anh ngữ “meditation” không được chính xác và không nói hết ý nghĩa như từ “bhavana”. Khi sử dụng từ “meditation” theo thuật ngữ nhà Phật, chúng ta nên biết đặc tính và mục tiêu của sự hành trì trong nhà Phật.

Thiền Phật Giáo là một phương tiện phát triển tâm linh. Nó đặc biệt chuyên về rèn luyện tâm, một hợp thể quan trọng nhất trong toàn thể con người. Vì tâm là dẫn đầu, là nguồn gốc chính của tất cả hành động về thân, khẩu, và ý, nên cần được tu dưỡng và phát triển một cách thích đáng. Thiền Phật Giáo là sự phát triển tâm linh đúng theo nghĩa thật của từ “bhavana”, vì nó nhằm mục đích không chỉ tạm thời giúp tâm tĩnh lặng, mà còn thanh lọc những phiền não trong tâm và những ảnh hưởng tiêu cực như ái dục, tham, sân, tật đố, lo âu, trạo cử, và phóng dật. Nó nuôi dưỡng và hoàn thiện những đức tính tích cực và lành mạnh của tâm, như tính tự tin, lòng từ bi, trí tuệ, năng lực, chánh niệm, định và tuệ giác thấu suốt mọi sự. Thiền định cũng là cách tu tập giúp ta thể hội giáo pháp và chứng ngộ cảnh giới cực lạc siêu việt của Niết-bàn. Nó là một phương thức huấn luyện hữu ích trên tất cả bình diện để chứng nghiệm, từ bình diện với những lo toan đời thường về những sinh hoạt hằng ngày cho đến bình diện đạt những chứng ngộ cao nhất và những cảnh giới siêu việt tâm linh.

Thiền chủ yếu là một hoạt động kinh nghiệm, không phải là một đề tài tri thức được hiểu qua sách vở hay qua thông tin truyền lại. Nó chẳng phải là trốn tránh cuộc sống hay lẩn tránh trách nhiệm. Dù việc tu tập thiền định về hình thức đối với người chưa am hiểu có vẻ tách rời cuộc sống thực tế, mục đích cố hữu của nó vẫn liên quan rất mật thiết đến cuộc sống và kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta. Thiền nghĩa là chánh niệm và có trí tuệ trong những gì chúng ta làm, nói, và nghĩ; còn có nghĩa là tỉnh thức nhiều hơn, và khả năng tự chủ cao hơn. Cho nên, nó không phải là một phương pháp tu tập không thích hợp đối với thế gian này, chỉ dành cho một thế giới khác gồm tu sĩ và những người tu khổ hạnh, nhưng nó là một trong những kỹ năng thiết thực có giá trị nhất giúp nâng cao đời sống thường nhật mỹ mãn hơn.

Link tải sách:

Thiền Phật Giáo (pdf)